Mục lục bài viết
- Xử phạt vi phạm hành chính là gì?
- Mức xử phạt hành chính đối với xe ô tô mắc phải các lỗi vi phạm thường gặp trong lĩnh vực giao thông
- 1. Lỗi ô tô đi sai làn đường quy định
- 2. Lỗi ô tô đè vạch liền
- 3. Lỗi ô tô không bật đèn xi nhan khi chuyển làn, chuyển hướng
- 4. Lỗi ô tô vượt đèn đỏ
- 5. Lỗi ô tô quay đầu xe không đúng nơi quy định
- 6. Lỗi vi phạm xe ô tô đi ngược chiều, đi vào đường cấm
- 7. Lỗi xe ô tô dừng đỗ sai quy định
- 8. Lỗi nồng độ cồn vượt quá mức quy định
- 9. Lỗi ô tô chạy vượt quá tôc độ cho phép
- 10. Lỗi ô tô vượt sai quy định
Xử phạt vi phạm hành chính là gì?
Trong bộ luật số 15/2012/QH13 quy định về xử lý vi phạm hành chính được ban hành vào ngày 20 tháng 6 năm 2012 có ghi rõ:
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 21. Các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng
Khoản 1. Các hình thức xử phạt hành chính bao gồm:
Điểm a) Cảnh cáo;
Điểm b) Phạt tiền;
Điểm c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
Điểm d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
Điểm đ) Trục xuất.
Khoản 2. Hình thức xử phạt quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1, Điều này chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính.
Hình thức xử phạt quy định tại Điểm c, Điểm d và Điểm đ, Khoản 1, Điều này có thể được quy đinh là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính.
Khoản 3. Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung quy định tại Khoản 1, Điều này. Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng theo hình thức xử phạt chính.
Mức xử phạt hành chính đối với xe ô tô mắc phải các lỗi vi phạm thường gặp trong lĩnh vực giao thông
Trong nghị định 46/2016/NĐ - CP được ban hành ngày 26 tháng 5 năm 2016 có nêu rõ mức xử phạt hành chính đối với xe ô tô mắc phải các lỗi vi phạm thường gặp. Cụ thể:
1. Lỗi ô tô đi sai làn đường quy định
Trong Điểm c, Khoản 4, Điều 5 có nêu: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; điều khiển xe đi qua dải phân cách cứng ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà. Hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
2. Lỗi ô tô đè vạch liền
Điểm a, Khoản 1, Điều 5 có nêu rõ: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường. Nếu thực hiện hành vi vi phạm mà gây tai nạn giao thông thì phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
3. Lỗi ô tô không bật đèn xi nhan khi chuyển làn, chuyển hướng
Trong Điểm a, Khoản 2, Điều 5 có nêu: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô thực hiện hành vi vi phạm chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước.
Trong Điểm c, Khoản 3, Điều 5 có nêu: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô thực hiện hành vi vi phạm chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức).
Ngoài ra, nếu thực hiện một trong các hành vi vi phạm trên mà gây tai nạn giao thông thì phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
4. Lỗi ô tô vượt đèn đỏ
Điểm c, Khoản 3, Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Có thể bạn quan tâm: Xe máy vượt đèn đỏ sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?
5. Lỗi ô tô quay đầu xe không đúng nơi quy định
Điểm I, Khoản 2, Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi quay đầu xe trái quy định trong khu dân cư, quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong bị tầm nhìn che khuất, trên đường nơi có biển báo “Cấm quay đầu xe”. Nếu thực hiện hành vi vi phạm mà gây tai nạn giao thông thì phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Điểm k, Khoản 3, Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi quay đầu xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt. Nếu thực hiện hành vi vi phạm mà gây tai nạn giao thông thì phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Khoản 4, Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi quay đầu xe trong hầm đường bộ; quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông; quay đầu xe trên đường cao tốc. Nếu quay đầu xe trên đường cao tôc sẽ phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Nếu thực hiện hành vi vi phạm mà gây tai nạn giao thông thì phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
6. Lỗi vi phạm xe ô tô đi ngược chiều, đi vào đường cấm
Điểm b, Khoản 4, Điều 5 có ghi rõ: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”. Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
7. Lỗi xe ô tô dừng đỗ sai quy định
Khoản 1, Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt báo hiệu nguy hiểm theo quy định.
Khoản 2, Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường; đỗ xe trên dốc không chèn bánh; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn; Dừng xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m; dừng xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt; dừng xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; rời vị trí lái, tắt máy khi dừng xe; dừng xe, đỗ xe không đúng vị trí quy định ở những đoạn có bố trí nơi dừng xe; đỗ xe; dừng xe, đỗ xe trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe trên đường nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”.
Khoản 3, Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng với người điều khiển xe thực hiện hành vi không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt; Dừng xe, đỗ xe tại các vị trí: Bên trái đường một chiều; trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt, song song với một xe khác đang dừng, đỗ; nơi đường bộ giao nhau hoặc trong phạm vi 05 m tính từ mép đường giao nhau; điểm dừng đón, trả khách của xe buýt; trước cổng hoặc trong phạm vi 05 m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức có bố trí đường cho xe ô tô ra vào; nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; che khuất biển báo hiệu đường bộ; Đỗ xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m; đỗ xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt; đỗ xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; đỗ, để xe ở hè phố trái quy định pháp luật; đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”.
Khoản 4, Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi dừng xe, đỗ xe trái quy định gây ùn tắc giao thông; Dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định.
Ngoài ra, thực hiện một trong các hành vi vi phạm trên mà gây tai nạn giao thông thì sẽ phải chịu thêm hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
8. Lỗi nồng độ cồn vượt quá mức quy định
Điểm a, Khoản 6, Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Điểm b, Khoản 8, Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hngười điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng.
Điểm a, Khoản 9, Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/ 100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/ 1 lít khí thở. Hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 04 tháng đến 06 tháng.
9. Lỗi ô tô chạy vượt quá tôc độ cho phép
Điểm a, Khoản 3, Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05km/h đến dưới 10km/h.
Điểm đ, Khoản 6, Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10km/h đến 20km/h.
Điểm a, Khoản 7, Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 20km/h đến 35km/h. Hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Điểm đ, Khoản 8, Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35km/h. Hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
10. Lỗi ô tô vượt sai quy định
Điểm a, Khoản 4, Điều 5 ghi rõ: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định. Nếu thực hiện hành vi vi phạm mà gây tai nạn giao thông thì phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Điểm b, Khoản 6, Điều 5 ghi rõ: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vượt trong các trường hợp cấm vượt; không có báo hiệu trước khi vượt; vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép, trừ trường hợp tại đoạn đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường mà xe chạy trên làn đường bên phải chạy nhanh hơn xe đang chạy trên làn đường bên trái. Hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Điểm c, Khoản 8, Điều 5 ghi rõ: Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vượt không đúng quy định gây tai nạn giao thông. Hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Trên đây là các thông tin về mức xử phạt vi phạm hành chính các lỗi thường gặp khi điều khiển xe ô tô trong lĩnh vực giao thông mà chúng tôi muốn chia sẻ đến các bạn. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, các bạn đã có thêm kiến thức để cân nhắc trước khi vi phạm một trong các lỗi trên.
Tìm hiểu thêm: Cảnh sát giao thông được dừng xe kiểm tra hành chính khi nào và xử phạt ra sao?