Hiện nay, chỉ cần hơn 1 triệu đồng là bạn đã có thể mua được một chiếc tủ lạnh cũ đã qua sử dụng. Vì thế, nhiều gia đình không có đủ điều kiện hoặc các bạn học sinh, sinh viên ở trọ đều lựa chọn phương án này. Tuy nhiên, nếu không biết cách kiểm tra tủ lạnh thì có thể bạn sẽ mua nhầm sản phẩm có chất lượng kém, mau hư hỏng hoặc tốn nhiều điện năng. Để tránh gặp phải trường hợp này, hãy cùng tham khảo hướng dẫn cách kiểm tra tủ lạnh khi mua cũ mà VnNews24h chia sẻ.
Khi chọn mua một chiếc tủ lạnh cũ, bên cạnh mức giá, dung tích, hình thức bên ngoài thì bạn còn cần phải kiểm tra các chi tiết như:
Mục lục bài viết
1. Vỏ tủ lạnh
Trước tiên, bạn cần phải kiểm tra phần vỏ tủ lạnh bên ngoài xem có nhiều vết trầy xước hay không. Mặc dù một số người không quan tâm đến mặt thẩm mỹ nhưng thực chất vỏ tủ lạnh bị xước quá sâu, quá nhiều sẽ tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ điện. Để chắc chắn hơn, bạn nên dùng bút thử điện kiểm tra.
2. Cửa tủ lạnh
Nếu phần cửa tủ lạnh không khít thì hơi lạnh bên trong sẽ bị rò rỉ ra ngoài, dẫn đến hao tốn nhiều điện năng. Để kiểm tra bộ phận này, bạn có thể thực hiện theo hai cách sau:
- Kẹp một tờ giấy vào vị trí các khe cửa rồi đóng lại. Tiếp đó, dùng tay rút tờ giấy này ra. Tờ giấy càng khó rút thì cửa tủ lạnh càng khít và chứng tỏ không bị hở.
- Ngắt nguồn điện sau đó dùng một chiếc đèn pin nhỏ bật lên rồi để vào tủ lạnh. Sau đó, bạn sẽ đóng tủ lại. Nếu ánh sáng của chiếc đèn pin lọt ra bên ngoài chứng tỏ cửa tủ bị hở và ngược lại.
Tuy nhiên, nếu mọi thứ của sản phẩm đều tốt nhưng cửa lại bị hở vì gioăng tủ lạnh đã cũ thì bạn hoàn toàn có thể thay gioăng mới để sử dụng. Vì đây là bộ phận sẽ bị mòn theo thời gian.
3. Đèn tủ lạnh
Đèn tủ lạnh cũng là một bộ phận khá quan trọng, giúp bạn dễ dàng quan sát khi lấy đồ bên trong tủ. Để kiểm tra đèn, bạn chỉ cần cắm điện và quan sát xem đèn có sáng hay không là được.
4. Ngăn chứa bên trong
Khi chọn mua một chiếc tủ lạnh, bạn nên ưu tiên những sản phẩm có thiết kế ngăn chứa phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình. Đối với tủ lạnh cũ, nên kiểm tra các ngăn chứa xem có bị nứt hay lỏng không. Bên cạnh đó, cũng không nên chọn tủ lạnh mà bên trong bị xước hay quá cũ vì sẽ tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ điện.
5. Dây điện và phích cắm
Đây là bộ phận cần được kiểm tra hết sức kỹ lưỡng. Bạn nên xem phần dây điện, chui cắm có bị hở hay đứt ở đâu không. Nên chọn những sản phẩm mà dây điện còn nguyên vẹn, không có mối nối, phần chui cắm chắc chắn, không lỏng lẻo. Nếu không sẽ rất dễ bị rò điện trong quá trình sử dụng.
6. Dây thoát nước và khay hứng nước
Thông thường, phần khay hứng nước sẽ nằm ở phía sau tủ lạnh. Bộ phận này có tác dụng chứa nước và được nối với một ống dây thoát nước. Nếu chúng bị lỏng hay thủng sẽ khiến nước bị đọng lại, tạo ra mùi hôi khó chịu. Không những thế, còn có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của tủ lạnh.
7. Ngày sản xuất
Thông thường, những chiếc tủ lạnh đã được sản xuất quá lâu năm sẽ không có nhiều tính năng và rất hao điện. Vì thế, bạn nên chọn những chiếc tủ được sản xuất gần nhất, đặc biệt là không quá 10 năm.
Trên đây là hướng dẫn kiểm tra tủ lạnh cũ mà đội ngũ biên tập viên VnNews24h muốn chia sẻ với bạn đọc. Hi vọng rằng bài viết đã cung cấp thêm cho bạn nhiều kinh nghiệm bổ ích. Qua đó, có thể áp dụng để chọn lựa được cho mình một chiếc tủ lạnh cũ còn tốt.
Tham khảo thêm: Cách lắp đặt tủ lạnh khi mới mua về