Là loại sâm quý hiếm, chứ nhiều chất dinh dưỡng chỉ có tại Quảng Nam và Kon Tum, vừa qua sâm Ngọc Linh đã được nhà nước công nhận là sản phẩm quốc gia có giá trị kinh tế cao.
Sâm Ngọc Linh được phát hiện tại Việt Nam vào ngày 18/3/1973 bởi 3 dược sỹ Đào Kim Long, Nguyễn Châu Giang và Nguyễn Thị Lê. Đến năm 1985, tiến sĩ Hà Thị Dụng và giáo sư Grushvisky đã xác định đây là một loài nhân sâm mới của Thế giới và đặt tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv, thường được gọi là sâm Việt Nam.
Sâm Ngọc Linh có thành phần cấu tạo đặc biệt với cấu trúc hóa học gồm 26 hợp chất saponin có cấu trúc thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật và 24 saponin có cấu trúc mới chưa hề gặp ở các loại sâm khác trên thế giới. Ngoài ra, trong sâm Ngọc Linh có tới 17 axit amin, 20 chất khoáng vi lượng và hàm lượng tinh dầu là 0,1%.
Ở nước ta, chỉ có hai tỉnh có sâm Ngọc Linh là Quảng Nam và Kon Tum. Tuy nhiên, sâm Ngọc Linh không phát triển rộng khắp hai tỉnh này mà chỉ tập trung ở một số huyện, xã. Đặc biệt hơn, nếu như đem sâm về trồng ở những nơi có điều kiện tương tự thì sâm cũng không phát triển.
Trước khi được phát hiện bởi các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh đã được người dân bản địa sử dụng để làm thuốc cứu người. Đến nay, khi giá trị đã được khẳng định thì loại sâm này mới được biết đến rộng rãi hơn.
Được đánh giá là một loại sâm quý hiếm nên giá bán của sâm Ngọc Linh khá cao. Trung bình, mỗi kg sâm Ngọc Linh thường có giá khoảng 40 triệu đồng. Phụ thuộc vào năm tuổi mà sâm Ngọc Linh còn được bán với giá từ 100 – 400 triệu đồng một củ.
Có giá trị kinh tế cao nên sâm Ngọc Linh ngày càng khan hiếm do tình trạng khai thác bừa bãi. Đồng thời, tình trạng bán sâm giả cũng tăng nhanh ở Quảng Nam, Kon Tum.