Sau khi gây ra hành vi phạm tội, tội phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật. Trách nhiệm hình sự là một dạng trách nhiệm pháp lý mà tội phạm bắt buộc phải chịu cho những hậu quả của hành vi phạm tội mình gây ra. Tuy nhiên có một vài trường hợp, tội phạm sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự hay còn gọi là được miễn trừ trách nhiệm hình sự. Vậy miễn trừ trách nhiệm hình sự là gì? Những trường hợp nào được miễn trừ trách nhiệm hình sự?
Mục lục bài viết
Định nghĩa miễn trừ trách nhiệm hình sự
Miễn trừ trách nhiệm hình sự tức là tội phạm sau thực hiện hành vi phạm tội sẽ được miễn chịu trách nhiệm pháp lý cho hậu quả của hành vi mình đã gây ra. Miễn trừ trách nhiệm hình sự là chế định được quy định trong Bộ luật hình sự thể hiện sự nhân đạo của Đảng và nhà nước ta. Theo đó, tội phạm sẽ được xóa bỏ hậu quả pháp lý và miễn chịu trách nhiệm hình sự mà đáng ra phải chịu cho những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Miễn trừ hình sự chỉ được áp dụng với người đã phạm tội, không thể áp dụng cho những người không phạm tội hoặc không đủ căn cứ để cấu thành tội phạm.
Giới nghiên cứu khoa học pháp lý đã đưa ra nhiều quan điểm về khái niệm miễn trừ trách nhiệm hình sự như sau:
► Trong Tạp chí Tòa án Nhân dân số 1/2001, tác giả Lê Cảm đã định nghĩa: “Miễn trách nhiệm hình sự là một chế định nhân đạo của luật hình sự Việt Nam và được thể hiện bằng việc xóa bỏ hậu quả pháp lý của việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm đối với người bị coi là có lỗi trong việc thực hiện hành vi đó”.
► Một định nghĩa khác của PGS.TS Trần Văn Độ viết trong quyển Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003 : “Miễn trách nhiệm hình sự có nghĩa là miễn những hậu quả pháp lý về các tội phạm đối với người thực hiện tội phạm khi có những điều kiện theo quy định của pháp luật”.
Những trường hợp nào được miễn trừ trách nhiệm hình sự?
Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định rõ ràng, những trường hợp được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cụ thể như sau:
► Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội;
► Trong khi đang tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử thì có sự thay đổi về chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
► Khi có quyết định đại xá;
► Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
► Người phạm tội đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
► Những vụ án hình sự (về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của BLHS năm 2015) đã được khởi tố theo yêu cầu của bị hại hoặc của người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết; nếu người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm, thì vụ án phải được đình chỉ (trừ trường hợp người rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức).
Những trường hợp có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự
Ngoài những trường hợp được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự thì còn có những trường hợp có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Những trường hợp đó cụ thể như sau:
► Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
► Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
► Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận;
► Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự;
► Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự:
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp phạm phải một trong các tội: Cố ý gây thương tích, hiếp dâm, cướp giật tài sản, sản xuất trái phép chất ma túy, tàng trữ ma túy trái phép, chiếm đoạt chất ma túy.
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật hình sự trừ những trường hợp phạm phải tội: giết người, cố ý gây thương tích; hiếp dâm; hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, cướp giật tài sản, sản xuất trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép chất ma túy, vận chuyển trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy, chiếm đoạt chất ma túy.
- Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án.
► Người trồng cây thuốc phiện, cây coca, cây cần sa hoặc các loại cây gây nghiện khác thuộc vào những trường hợp: đã được giáo dục 02 lần và được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống; đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, đã bị kết án và chưa được xóa án tích; có số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây; nếu chủ động phá bỏ hoặc giao nộp cho cơ quan chức năng trước khi thu hoạch sẽ có thể được miễn trách nhiệm hình sự
► Người đưa hối lộ không phải do ép buộc nếu chủ động khai báo trước khi bị phát giác sẽ có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được hoàn trả một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
► Người môi giới hối lộ nếu chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
► Người không tố giác nhưng đã có hành động can ngăn hoặc hạn chế tác hại của tội phạm thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Với những thông tin vừa rồi, chắc hẳn bạn đã nắm được miễn trừ trách nhiệm hình sự là gì? Những trường hợp tội phạm nào sẽ được miễn trừ trách nhiệm hình sự. Mặc dù nhà nước ta đã đưa ra chế định miễn trừ trách nhiệm hình sự để thể hiện sự khoan hồng và nhân đạo nhưng khi đã thực hiện các hành vi phạm tội, gây ra những mối đe dọa và nguy hiểm đến sự tồn tại, phát triển của xã hội thì mọi tội phạm sẽ được xử phạt theo đúng quy định.