Rất nhiều người lựa chọn phương pháp ăn ít hoặc nhịn ăn để giảm cân. Tuy nhiên, khi cơ thể đói, chúng ta sẽ cảm nhận được sự mệt mỏi, suy giảm sức lực từ bên trong. Vậy có bao giờ bạn thắc mắc cơ thể nhịn ăn được khoảng bao lâu và sẽ ra sao khi không được cung cấp thực phẩm trong nhiều ngày? Hãy cùng VnNews24h tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề này.
Mục lục bài viết
Ăn, uống là nhu cầu bắt buộc của cơ thể
Cơ thể người là một bộ máy phức tạp được cấu tạo bởi nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau. Trong đó, có khoảng 60% là nước, 18% chất đạm, 16% chất béo và 6% khoáng chất. Cũng giống như máy móc, muốn duy trì hoạt động, cơ thể cần được cung cấp năng lượng mà cụ thể ở đây là thức ăn, nước uống. Thông qua sự chuyển hóa, đồ ăn, thức uống sẽ trở thành các chất dinh dưỡng để nuôi sống cơ thể. Mỗi kg cơ thể cần tối thiểu 30 calo, 100 - 150 ml nước, 1 - 2 gam chất đạm, 3 - 5 gam chất béo, 6 - 10 gam cacbohydrate mỗi ngày để duy trì hoạt động.
Cơ thể con người nhịn ăn được bao lâu?
Từ các sự việc có thật về nhịn ăn trong lịch sử, các nhà khoa học đã nghiên cứu và đúc kết ra rằng con người có thể nhịn đói từ 8 - 21 ngày mà vẫn sống sót, miễn được cung cấp đủ nước. Khi mất khoảng 10% thể trọng, cơ thể bắt đầu xuất hiện dấu hiệu nguy hiểm. Mất 18% thể trọng có nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Nam giới sẽ chết do nhịn ăn khi chỉ số BMI dưới 13 và với phụ nữ là dưới 11. Nếu một người nằm liệt giường, không được cung cấp cả thức ăn và nước uống thì thời gian sống sót là từ 10 - 14 ngày vì khi không vận động, cơ thể sẽ ít tốn năng lượng hơn.
Tại sao khoảng thời gian có thể nhịn ăn khác nhau ở từng người?
Từ xa xưa cho đến nay, thế giới đã ghi nhận rất nhiều trường hợp nhịn ăn liên tục trong một khoảng thời gian dài mà vẫn còn sống sót. Có những người nhịn ăn đến 30 ngày, 44 ngày hay 73 ngày mới chết.
Cơ thể sẽ như thế nào khi nhịn ăn? Cơ thể con người có thể tự điều chỉnh khi không được cung cấp thức ăn, nước uống trong một khoảng thời gian. Đó là lý do vì sao nhiều người có thể tham gia vào các bữa ăn kiêng tôn giáo hay bỏ bữa để giảm cân mà không gây tổn hại đến cơ thể. Cơ thể khi nhịn ăn đến 8 giờ sẽ bắt đầu thay đổi cách vận hành. Trước đó, cơ thể vẫn hoạt động bình thường như khi được cung cấp đầy đủ thực phẩm bằng cách phân hủy thức ăn thành đường glucose (glucose có tác dụng cung cấp năng lượng cho cơ thể). Nếu không được cung cấp thức ăn, lượng đường dự trữ sẽ cạn kiệt trong khoảng 8 - 12 giờ. Tiếp đến, glycogen từ gan và cơ được chuyển hóa thành đường để duy trì hoạt động cơ thể khi nhịn ăn. Khi glycogen được sử dụng hết, cơ thể sử dụng đến các axit amin và chất béo dự trữ. Đây sẽ là giai đoạn giảm cân đáng kể của cơ thể. Vì mỡ dự trữ của phụ nữ nhiều hơn nam giới và đồng thời khả năng giữ protein, mô cơ nạc tốt hơn nên điều này cũng lý giải vì sao nữ giới có thể nhịn đói lâu hơn.
Một người có càng nhiều chất béo dự trữ sẽ có khả năng sống sót khi đói càng lâu. Khi lượng chất béo này đã được chuyển hóa hết, cơ bắp sẽ là bộ phận tiếp theo bị phân hủy để duy trì sự sống. Đây cũng là giai đoạn bắt đầu xảy ra những tình trạng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa đến mạng sống.
Tại sao nước có ảnh hưởng đến cơ thể khi nhịn ăn?
Nguồn dự trữ năng lượng từ thức ăn nhiều hơn so với nước, trong khi nước lại chiếm tỷ lệ cao hơn trong cơ thể. Vì thế, nếu được cung cấp đầy đủ lượng nước cơ thể cần mỗi ngày (1,5 - 2 lít nước), thời gian nhịn ăn tối đa của bạn sẽ cao hơn. Tuy nhiên, chức năng thận sẽ bắt đầu suy giảm nếu không có đủ nước trong vòng vài ngày. Nếu cho thêm một thìa muối vào nước uống mỗi ngày, thơi gian sống sót còn có thể kéo dài hơn.
Nhịn ăn dài ngày ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?
Mặc dù vẫn có thể sống sót khi nhịn ăn, uống dài ngày nhưng việc này vẫn gây ra rất nhiều tác động xấu đến cơ thể. Nếu một người thường xuyên ăn uống không điều độ, bỏ bữa sẽ gặp phải những vấn đề như:
- Mệt mỏi, chóng mặt, xanh xao.
- Cơ thể yếu ớt.
- Thay đổi nhiệt độ.
- Tụt huyết áp, đau tim.
- Rụng tóc, da khô.
- Mất chu kỳ kinh nguyệt.
- Dễ căng thẳng, cáu gắt.
- Suy nội tạng.
Tuy nhiên, những người nhịn ăn trong một thời gian dài không thể ngay lập tức có chế độ ăn uống bình thường. Việc này có thể gây ra “hội chứng thèm ăn”, bao gồm những vấn đề về tim mạch, thần kinh và mô tế bào. Nếu bắt đầu ăn uống trở lại sau một thời gian nhịn ăn, tốt nhất là nên có sự giám sát của bác sĩ và chỉ nên ăn rau luộc, ít protein, ít đường và kiêng thực phẩm chứa lactose.
Với những thông tin đội ngũ biên tập viên chúng tôi chia sẻ trên đây, hi vọng rằng đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích về vấn đề thời gian nhịn ăn và cơ thể sẽ như thế nào khi nhịn ăn. Dù là với mục đích nào đi nữa thì nhịn ăn đều gây ra những tác dụng bất lợi cho sức khỏe. Vì vậy, hãy luôn quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng, chế độ ăn uống của cơ thể bạn nhé!