Trên thế giới hiện nay có tất cả bao nhiêu quốc gia và vùng lãnh thổ? Những quốc gia nào theo chế độ quân chủ và vẫn còn vua? Những quốc gia nào theo chế độ xã hội chủ nghĩa?
Bản đồ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới
Mục lục bài viết
Trên thế giới hiện nay có bao nhiêu quốc gia và vùng lãnh thổ?
Định nghĩa quốc gia và vùng lãnh thổ
Việc xác định một quốc gia hay vùng lãnh thổ đến nay vẫn chưa có quy ước cụ thể nào vì mỗi quốc gia lại có định nghĩa, khái niệm riêng về hai thực thể chính trị này. Tuy nhiên, chúng ta có thể căn cứ theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc - tổ chức quốc tế có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới để xác định một khu vực là quốc gia hay vùng lãnh thổ.
Theo Công ước Montevideo về quyền và nhiệm vụ của các Quốc gia được thừa nhận là một phần của pháp luật tập quán quốc tế theo Liên Hiệp Quốc, một quốc gia là pháp nhân pháp lý của luật pháp quốc tế nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn dưới đây:
- Có dân số thường trú ổn định.
- Có lãnh thổ xác định.
- Có chính phủ với đầy đủ quyền hạn.
- Có khả năng quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác.
Trên thực tế, một số quốc gia tự nhận là độc lập nhưng chính phủ không có đầy đủ quyền hạn hoặc không được quốc tế công nhận. Những quốc gia này chưa phải là pháp nhân pháp lý của luật pháp quốc tế và do đó được gọi với cái tên chung là vùng lãnh thổ (bạn đọc có thể tìm hiểu chi tiết hơn về sự khác nhau giữa quốc gia và vùng lãnh thổ Tại Đây).
Thế giới hiện nay có bao nhiêu quốc gia và vùng lãnh thổ?
Như đã nói ở trên, việc xác định quốc gia và vùng lãnh thổ hiện nay chủ yếu dựa vào định nghĩa của tổ chức Liên Hiệp Quốc. Bên cạnh đó, vì Liên Hiệp Quốc chỉ kết nạp các thành viên là những quốc gia đã được công nhận hoàn toàn do đó hiện nay tổ chức này có bao nhiêu thành viên chính thức thì sẽ có bấy nhiêu quốc gia được công nhận. Cụ thể:
- Hiện Liên Hiệp Quốc đang có 193 thành viên, tức là 193 quốc gia đã được công nhận hoàn toàn.
- Có 2 quan sát viên không phải là thành viên: Vatican và Palestine. Đây là hai quốc gia đã có đầy đủ các yếu tố cấu thành quốc gia. Tuy nhiên, Vatican giữ vị thế là thực thể chính trị đặc biệt còn Nhà nước Palestine - Chính phủ chính thức của Palestine hiện đang là chính phủ lưu vong với một phần lãnh thổ vẫn còn bị Israel chiếm đóng.
Ngoài các quốc gia trên, hiện nay còn có thêm một số quốc gia tự nhận nhưng chưa đủ các điều kiện để được công nhận chính thức. Cụ thể:
- Đài Loan và Kosovo được nhiều quốc gia thành viên công nhận. Trong đó, Đài Loan được công nhận bởi 19 quốc gia thành viên và Vatican đồng thời có quan hệ ngoại giao chính thức hoặc không chính thức với hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế khác. Kosovo được công nhận bởi 108 quốc gia thành viên và một số tổ chức quốc tế khác. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là tỉnh thứ 23 thuộc lãnh thổ và Serbia vẫn khẳng định Kosovo chỉ là một tỉnh tự trị của quốc gia này.
- Có 6 quốc gia vừa tuyên bố độc lập nhưng vẫn chưa được công nhận hay chỉ được công nhận bởi một số ít thành viên chính thức: Abkhazia (Nga, Nicaragua, Venezuela, Nauru, Tuvalu và Vanuatu công nhận); Bắc Síp (Thổ Nhĩ Kỳ công nhận); Nam Ossetia ( Nga, Nicaragua, Venezuela và Nauru công nhận); Somaliland, Transnistria và Nagorno - Karabakh (cả 3 quốc gia này chưa được công nhận bởi bất cứ quốc gia chính thức hay tổ chức quốc tế nào).
Như vậy, theo luật pháp quốc tế hay cụ thể hơn là theo Công ước Montevideo, trên thế giới hiện nay có tất cả 193 quốc gia và 11 vùng lãnh thổ.
Những quốc gia theo chế độ quân chủ và vẫn còn vua
Khái niệm chế độ quân chủ là gì?
Chế độ quân chủ là hình thức chính quyền trong đó có một người đứng đầu chính phủ là vua hoặc nữ hoàng. Chế độ quân chủ ở các quốc gia hiện đại gồm có hai hình thức: Quân chủ hạn chế và Quân chủ tập trung (Quân chủ tuyệt đối).
- Quân chủ hạn chế: Là hình thức phổ biến ở hầu hết các quốc gia hiện đại đang theo chế độ quân chủ trên thế giới. Hình thức này biểu hiện qua chế độ Quân chủ lập hiến (Quân chủ đại nghị hoặc Quân chủ Cộng hoà). Theo đó, vua hoặc nữ hoàng là người đứng đầu (nguyên thủ) của quốc gia nhưng chỉ mang tính chất tượng trưng. 3 quyền lực lớn của chính phủ là quyền lập pháp thuộc về nghị viện, quyền hành pháp thuộc về thủ tướng và quyền tư pháp thuộc về toà án (hình thức này được biết đến phổ biến dưới cái tên tam quyền phân lập).
Các quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến với hệ thống nghịviện màu đỏ.
Các quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến khác màu tím.
.
- Quân chủ tập trung: Là hình thức vua hay nữ hoàng vẫn nắm giữ cả 3 quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hình thức này chủ yếu còn tồn tại ở các quốc gia Hồi giáo.
Các quốc gia vẫn theo chế độ Quân chủ và còn vua hoặc nữ hoàng
Hiện nay trên thế giới vẫn còn 44 quốc gia theo chế độ quân chủ với 25 vị vua hoặc nữ hoàng đứng đầu. Sở dĩ có sự chênh lệch về số lượng như vậy là do một số vị vua hay nữ hoàng có thể là người lãnh tụ chung trên danh nghĩa của nhiều quốc gia.
- Danh sách các quốc gia theo chế độ quân chủ hạn chế: Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Canada, Úc, New Zealand, Jamaica, Barbados, Bahamas, Grenada, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Tuvalu, Saint Lucia, Saint Vincent và Grenadines, Antigua và Barbuda, Belize, Liên bang Saint Kitts và Nevis (16 quốc gia này thuộc Khối thịnh vượng chung Anh với Nữ hoàng Anh Elizabeth II là đương kim nữ hoàng của tất cả các quốc gia), Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Luxembourg, Monaco, Liechtenstein, Andorra, Nhật Bản, Bahrain, Bhutan, Campuchia, Jordan, Kuwait, Thái Lan, Malaysia, Lesotho, Maroc, Tonga, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
- Quốc gia theo chế độ quân chủ tuyệt đối: Sudan, Oman, Brunei, Ả Rập Saudi, Swaziland và Qatar.
Những quốc gia đang theo chế độ xã hội chủ nghĩa
Chế độ xã hội chủ nghĩa là gì?
Chế độ xã hội chủ nghĩa là hình thức chính trị chưa xuất hiện trong thực tế. Hiện nay, đây vẫn đang là mục tiêu mà các quốc gia có đảng cộng sản lãnh đạo tuyên bố sẽ đưa đất nước mình hướng tới. Những quốc gia có mục tiêu xã hội chủ nghĩa được phân thành hai hình thức: theo chủ nghĩa Marx - Lenin và không theo chủ nghĩa Marx - Lenin.
Những quốc gia đang theo chế độ xã hội chủ nghĩa
Những quốc gia có mục tiêu xã hội chủ nghĩa và theo chủ nghĩa Marx - Lenin: Cộng hoà Cuba, Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam.
Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có mục tiêu xã hội chủ nghĩa và theo chủ nghĩa Marx - Lenin
Những quốc gia có mục tiêu xã hội chủ nghĩa nhưng không theo chủ nghĩa Marx - Lenin: Cộng hoà nhân dân Bangladesh, Cộng hoà Ả Rập Ai Cập, Cộng hoà hợp tác Guyana, Cộng hoà Ấn Độ, Jamahiriya Ả Rập Libya Nhân dân Xã hội Chủ nghĩa Vĩ đại, Cộng hoà Bồ Đào Nha, Cộng hò Xã hội Chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanka, Cộng hoà Ả Rập Sirya, Cọng hò thống nhất Tanzania, CỘng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Cộng hoà Bolivar Venezuela.
Trên đây là một số thông tin về số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ, những quốc gia theo chế độ quân chủ và vẫn còn vua hoặc nữ hoàng, những quốc gia theo chế độ xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Cảm ơn các bạn đã chú ý theo dõi.
Tìm hiểu thêm: 10 quốc gia có diện tích lãnh thổ nhỏ bé nhất trên thế giới