Là ngọn núi cao nhất thế giới tính từ mực nước biển, Everest vẫn được mệnh danh là "nóc nhà của thế giới". Nơi đây cũng là một trong những địa điểm thu hút nhiều nhà leo núi mạo hiểm nhất với mong muốn được một lần được nhìn xuống thế giới ở nơi cao nhất hành tinh.
Mục lục bài viết
Ngọn núi Everest nằm ở đâu?
Himalaya - Dãy núi cao nhất thế giới
Trong số các đỉnh núi của dãy Himalaya, đỉnh núi cao nhất chính là Everest. Himalaya (gọi theo tên Hán - Việt là Hy Mã Lạp Sơn, lấy từ tên phiên âm tiếng Trung Hi Mã Lạp Nhã sơn mạch) là dãy núi nằm ở châu Á, ranh giới tự nhiên giữa tiểu lục địa Ấn Độ và cao nguyên Tây Tạng. Rộng hơn, Himalaya cũng là tên gọi để chỉ một hệ thống các dãy núi Himalaya, Karakoram, Hindu Kush,... Tất cả hợp với nhau thành dãy núi Himalaya cao nhất hành tinh. Những dãy núi này có trên 100 ngọn núi với chiều cao vượt quá 7.200m, trong đó có 14 ngọn núi cao trên 8.000m. Dãy Himalaya trải dài trên 7 quốc gia: Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Myanmar và Afghanistan và cũng là nơi khởi nguồn của 3 con sông lớn là sông Ấn, sông Hằng và sông Dương Tử.
Dãy Himalaya và đỉnh Everest (màu đen) nhìn từ trên không
Everest - Ngọn núi cao nhất thế giới
Ngọn núi nằm ở biên giới giữa Nepal, Tây Tạng và Trung Quốc là ngọn núi cao nhất thế giới. Trong tiếng Nepal, ngọn núi này có tên là Sagarmatha (Trán trời). Trong tiếng Tây Tạng, nó được gọi là Chomolangma (Thánh mẫu của vũ trụ). Ở Trung Quốc, tên của ngọn núi này sau khi phiên dịch từ tiếng Tây Tạng là Châu Mục Lãng Mã Phong hoặc được dịch nghĩa là Thánh Mẫu Phong hay “đỉnh núi của Thánh mẫu”. Tên tiếng Anh của ngọn núi được đặt bởi tổng trưởng quan trắc của Ấn Độ Andrew Scott Waugh, ông đã quyết định đặt tên ngọn núi theo tên của Sir George Everest, cấp trên và là người tiền nhiệm của ông.
Được một lần chinh phục đỉnh Everest là ước mơ của nhiều người.
Tính từ mực nước biển, Everest cao khoảng 8.850m và vẫn đang cao thêm 2,5cm mỗi năm do hoạt động kiến tạo địa chất. Đường leo lên đỉnh núi cũng chính là biên giới giữa Nepal với Tây Tạng. Có thể nói, Everest là một trong những nơi có môi trường khí hậu khắc nghiệt nhất hành tinh. Nhiệt độ trung bình ở nơi đây là khoảng -19 độ C vào mùa hè và -36 độ C vào mùa đông. Ngoài ra, những khó khăn như thiếu oxy, tốc độ gió, những cột băng và tháp băng cũng là trở ngại lớn đối với những người muốn chinh phục đỉnh núi hùng vĩ này.
Ai là người đầu tiên chinh phục đỉnh Everest?
Vào 11 giờ 30 ngày 29 tháng 5 năm 1953, Edmund Hillary (người New Zealand) và Tenzing Norgay (người Sherpa, một tộc người Tây Tạng sống ở phía bắc Nepal) đã trở thành hai người đầu tiên đặt chân tới đỉnh núi Everest và quay trở lại an toàn. Họ dừng lại trên đỉnh núi để chụp ảnh, chôn một vài viên kẹo và một cây thánh giá nhỏ vào tuyết rồi quay trở về.
Bức ảnh Tenzing Norgay trên đỉnh Everest do Edmund Hillary chụp.
Người Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Everest
Ngày 22 tháng 5 năm 2008, Bùi Văn Ngợi (25 tuổi, Gia Lai), Phan Thanh Nhiên (23 tuổi, Vũng Tàu) và Nguyễn Mậu Linh (31 tuổi, Hà Nội) trở thành những người Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Everest. Lúc đó, Ngợi và Nhiên là sinh viên trường Đại học Thể dục Thể thao 2 còn Linh là vận động viên quyền anh. Đúng 6h sáng theo giờ địa phương (7h15 theo giờ Hà Nội), Bùi Văn Ngợi đặt chân lên đến độ cao 8.850 và lần đầu tiên, lá cờ Việt Nam tung bay trên “Nóc nhà của thế giới”. Hai giờ sau, Nhiên và Linh cũng thành công chinh phục đỉnh núi này.
Bùi Văn Ngợi trên đỉnh Everest.
Những xác chết trên đỉnh Everest
Được một lần đứng ở nơi cao nhất của thế giới có lẽ là ước mơ của hầu hết mọi người. Do đó, kể từ khi được xác nhận là ngọn núi cao nhất thế giới đến nay, đã có hàng ngàn người tìm cách đặt chân tới đỉnh núi. Tính đến nay, có khoảng 2.000 người đã chinh phục đỉnh Everest thành công. Nhưng bên cạnh đó cũng có hơn 200 người không may tử nạn và phải vĩnh viễn nằm lại trên con đường khắc nghiệt và chông gai này.
Thi thể "giày xanh" Tsweang Paljor, thi thể nổi tiếng nhất trên Everest.
Trên con đường leo lên đỉnh núi Everest vẫn còn rải rác một số thi thể của những người đã tử nạn. Những thi thể này được bảo tồn hoàn hảo trong điều kiện giá rét và nhiệt độ dưới 0 độ C. Tuy nhiên, người ta vẫn không thể chôn cất họ tử tế vì quá khó khăn.
Trên đây là một số thông tin về Everest, ngọn núi cao nhất và nổi tiếng nhất thế giới. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, các bạn đã có thể bổ sung thêm một số thông tin hữu ích và thú vị về địa lý thế giới. Qua đó có thêm cái nhìn toàn diện hơn về Trái Đất, mái nhà chung của tất cả chúng ta.
TÌm hiểu thêm: Những điều ít người biết về ngọn núi Everest cao nhất thế giới