Thuốc lắc là thế hệ thứ ba của á phiện, sau heroin. Ra đời sau nhưng thuốc lắc lại có khả năng tàn phá người sử dụng cũng như đe doạ đến xã hội ghê gớm hơn hai loại trước rất nhiều.
Tiếp đãi nhóm bạn bằng thuốc lắc trong tiệc sinh nhật.
Thuốc lắc gọi đầy đủ là thuốc lắc MDMA, được chế xuất từ nhiều hoá chất khác nhau. Đây là loại ma tuý tổng hợp bao gồm cả các chất dạng amphetamine và một số các chất gây ảo giác. Amphetamine là các chất kích thích hoạt động của não bộ và hệ thần kinh trung ương. Các chất này gây ảo giác, làm cho người sử dụng nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy, hoặc ngửi thấy những gì không tồn tại trên thực tế.
Hiện nay, do giá thành còn khá đắt nên thuốc lắc vẫn chưa phát triển rầm rộ. Thế nhưng tình hình sử dụng thuốc lắc trong các thanh niên đã ở mức đáng báo động. Số tuổi trung bình của những người sử dụng thuốc lắc là 17-22. Các chuyên gia cũng tiên đoán rằng giá thuốc lắc sẽ giảm nhanh chóng do đây là một hợp chất ma tuý tổng hợp rất dễ sản xuất, vận chuyển. Do đó, chúng ta cần nhận biết được người thân có sử dụng thuốc lắc hay không. Dưới đây là một số cách nhận biết người sử dụng thuốc lắc:
- Ngủ ngày, giấc ngủ chập chờn, uống nhiều nước, thường chuẩn bị nước uống trong cốp xe, trong phòng ngủ, biếng ăn, sức khỏe suy kiệt, mệt mỏi xanh xao, mắt đờ đẫn, thiếu tập trung, trí nhớ kém, hay quên, thường đau bụng, táo bón tiểu gắt, lười vận động.
- Quan hệ với nhóm bạn bè phức tạp, vắng nhà qua đêm thường xuyên với lý do không rõ ràng, nhu cầu sử dụng tiền tăng cao, phản đối rất mạnh trước sự kiểm tra của người lớn, thường giữ “túi nước nhỏ” trong người để đối phó khi bị kiểm tra nước tiểu.
- Tính tình có sự thay đổi lớn, hay cáu gắt, thiếu sự tinh tế, thiếu kiên nhẫn, hay cập rập…
Ngoài việc nhận biết, chúng ta cũng nên hiểu về một số cách điều trị cho người thân bị nghiện như:
- Cần giữ một tâm lý bình tĩnh khi có người thân, bạn bè sử dụng thuốc lắc. Nên áp dụng biện pháp tâm lý trị liệu, tạo cơ hội gần gũi với người nghiện, tránh truy xét; giúp người nghiện cùng tham gia giải quyết những vấn đề khó khăn của họ, tìm hiểu những nhu cầu cần hỗ trợ của họ.
- Động viên những thái độ tích cực của người nghiện, nhất là trong việc hợp tác chữa trị; tạo điều kiện để người nghiện tự chứng minh sự đúng đắn của mình như lên kế hoạch học tập, làm việc; hạn chế thấp nhất việc vắng nhà buổi tối; giúp người nghiện tự giác kiểm tra nước tiểu để giám sát.
- Cần thiết có những biện pháp kiên quyết nhất định, ví dụ: bảo đảm thực hiện giờ giấc đi lại một cách minh bạch (Việc gì? Với ai? Ở đâu? Bao lâu? Kết quả ra sao?... )
Tùy thuộc vào mức độ nghiện, thời gian nghiện mà tìm giải pháp chữa trị phù hợp, nên đưa người nghiện đến các nhà tư vấn tâm lý, cơ sở tư vấn cai nghiện trước khi quyết định hướng cai nghiện.
Lưu ý: đặc tính tâm lý người nghiện thuốc lắc là khủng hoảng đi liền với sự suy sụp và hoang tưởng nên người nghiện dễ có những hành động liều lĩnh, bế tắc, và việc sử dụng thuốc lắc chính là sự chạy trốn nỗi khủng hoảng, suy sụp đó. Ảo giác do thuốc lắc tạo nên giúp người nghiện có được sự tự tin mà họ mong muốn. Trong cơn vật vã thuốc lắc, người nghiện rất thụ động nhưng lại rất cần được sự cảm thông, trao đổi, chia sẻ của người thân, bạn bè và cộng đồng. Tuy nhiên người nghiện cũng thường hay tranh thủ tình cảm những người giúp đỡ mình để trấn an, thực hiện hành vi tái nghiện, hoặc đôi lúc đặt yêu sách. Do vậy, người thân cần có thái độ kiên quyết nhất định đồng thời với sự kiên nhẫn để giúp họ vượt qua khó khăn này.