Ở Việt Nam hiện nay, theo thống kê có khoảng 200 loài rắn khác nhau với hơn 50 loài rắn độc. Nhiều con trong số chúng có khả năng gây tử vong nếu không được sơ cứu và điều trị kịp thời. Do đó, nắm rõ cách phân biệt rắn độc và rắn thường cũng như phương pháp xử lý khi bị rắn độc cắn sẽ giúp bạn bảo vệ tính mạng bản thân và những người trong gia đình.
Mục lục bài viết
Cách phân biệt rắn độc và rắn thường
Việc phân biệt rắn độc và rắn lành đối với người bình thường khá khó khăn do đa số các loài rắn đều có hình dáng giống nhau cũng như chúng thường bỏ chạy khá nhanh sau khi tấn công. Tuy nhiên, có thể phân biệt một số loài rắn dựa vào các điểm đặc trưng của chúng. Ví dụ như rắn hổ mang trước khi tấn công sẽ nâng cao cơ thể và bạnh cổ, phát ra tiếng huýt gió rất đặc trưng; rắn cạp nong có thân khoang đen - vàng; rắn cạp nia có thân khoang đen - trắng; họ rắn lục nói chung thường có đầu to hình thoi hoặc hình tam giác phân biệt rõ với phần còn lại của cơ thể.
Vết cắn của rắn độc và rắn lành cũng có sự khác biệt khá rõ rêt. Loài rắn độc sẽ có cặp răng độc lớn để chứa và tiêm nọc độc vào người nạn nhân nên vết cắn thường có hai dấu răng lớn, hình chữ V hoặc hình dấu chấm than song song với nhau. Rắn thường do không có răng độc nên vết cắn sẽ có hình vòng cung, dấu răng đều nhau hoặc để lại răng trên vết cắn.
Các loài rắn độc thường gặp ở Việt Nam
Ở Việt Nam hiện nay, các nhà khoa học đã thống kê được 53 loài rắn độc khác nhau thuộc hai họ chủ yếu là rắn lục và rắn hổ. Cụ thể:
Họ rắn hổ (danh pháp khoa học Elapidae): Đặc điểm chung của các loài thuộc họ rắn hổ là đầu hình bầu dục, không phân biệt rõ với cổ. Vảy hình tấm và thường ghép sát với nhau. Bộ răng của họ rắn hổ thường có hai móc độc ở hàm phía trên, móc độc có hình ống hoặc có rãnh. Các loài rắn hổ phổ biến gồm có: hổ mang thường, hổ mang chúa, hổ đất, hổ mang Xiêm, cạp nong, cạp nia,...
Hổ mang chúa là một trong những loài rắn hổ nguy hiểm nhất
Họ rắn lục (danh pháp khoa học Viperidae): Đặc điểm chung của họ rắn lục là đầu hình tam giác, tách biệt rõ với cổ. Mắt có con ngươi hình elip dựng đứng. Tất cả các loài trong họ rắn lục đều có răng nọc tương đối dài và có khớp nối. Các loài rắn lục phổ biến gồm có: rắn lục xanh, rắn lục đuôi đỏ, rắn lục đầu bạc, rắn chàm quạp,...
Tìm hiểu thêm: Danh sách 10 loài rắn độc nhất ở Việt Nam
Rắn lục xanh thường gặp ở các tỉnh Hoà Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Gia Lai
Triệu chứng, dấu hiệu biểu hiện sau khi bị rắn cắn
Triệu chứng biểu hiện khi bị rắn thường cắn
Người bị rắn thường cắn chỉ bị sưng tấy nhẹ tại chỗ bị cắn và không có phản ứng toàn thân.
Triệu chứng biểu hiện khi bị rắn độc cắn
Tuỳ thuộc vào loài rắn và lượng chất độc tiêm vào cơ thể mà nạn nhân bị rắn độc cắn sẽ có các biểu hiện khác nhau. Cụ thể:
Bị loài thuộc họ rắn hổ cắn: Xung quanh vết cắn bị đau, sưng và có dấu hiệu hoại tử. Xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng như da sưng đỏ, có mủ. Lưu ý các dấu hiệu trên không xuất hiện ở vết thương do cạp nong, cạp nia cắn. Toàn thân bị đau, nói khó khăn hay thậm chí không thể nói được. Mắt mờ, chân tay run rẩy và yếu dần. Cơ thể bị tê liệt và khó thở. Nếu để lâu sẽ dẫn đến tử vong vì bị ngạt thở do tê liệt hệ thống tuần hoàn.
Bị loài thuộc họ rắn lục cắn: Vùng da xung quanh vết rắn cắn thường bị sưng, phù nề, phỏng nước. Toàn thân bị chảy máu khó cầm. Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong ở các nạn nhân bị rắn lục cắn là do mất máu quá nhiều.
Cách sơ cứu khi bị rắn độc cắn
Khi gặp người bị rắn độc cắn, cần phải tiến hành sơ cứu ngay rồi nhanh chóng chuyển nạn nhân đến bệnh viện gần nhất. Việc sơ cứu tiến hành theo các bước sau:
- Nếu người bị cắn vẫn còn tỉnh táo, cần phải an ủi, ổn định tinh thần cho nạn nhân.
- Không để nạn nhân cử động, đi lại. Nọc độc đi vào cơ thể theo mạch bạch huyết và sẽ di chuyển nhanh hơn trong quá trình vận động. Do đó, cần phải hạn chế cử động của cơ thể, đặc biệt là ở khu vực xung quanh vết cắn.
- Cởi bỏ đồ trang sức, quần áo (nếu là đồ bó) ở vùng bị cắn vì có thể gây chèn ép khi phản ứng phù nề xuất hiện. Nới lỏng quần áo ở cổ để nạn nhân dễ thở hơn.
- Nếu bị rắn hổ cắn, sử dụng biện pháp băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt gây khó thở. Tiến hành băng bất động như sau: Dùng băng vải, khăn hoặc dây chun giãn bắt đầu băng từ ngón chân (ngón tay) lên đến hết toàn bộ khu vực gần vết cắn sau đó dùng gậy gỗ, gậy tre cố định lại. Lưu ý chỉ băng vừa phải, sờ vẫn thấy động mạch đập. Đặc biệt không sử dụng biện pháp này với vết cắn do rắn lục gây ra vì có thể làm vết thương nặng hơn.
Các bước băng bó theo phương pháp băng ép bất động
- Tiến hành hô hấp nhân tạo nếu bệnh nhân khó thở hoặc hồi sinh tổng hợp (hô hấp nhân tạo kết hợp bóp tim ngoài lồng ngực) nếu tim ngừng đập. Sau đó đưa nạn nhân đến bệnh viện nhanh nhất có thể.
Lưu ý khi sơ cấp cứu cho nạn nhân bị rắn độc cắn
- Dù đã xác định được vết cắn là của rắn thường thì vẫn phải đưa nạn nhân đến bệnh viện để theo dõi ít nhất 12 giờ đầu. Công tác đưa người bị cắn đến bệnh viện phải được tiến hành nhanh chóng, cấp tốc vì mọi biện pháp điều trị sau 24 - 48 giờ sẽ đưa lại kết quả rất kém thậm chí là vô hiệu.
- Không sử dụng các biện pháp như băng garô (có thể gây tắc nghẽn mạch máu dẫn tới hoại tử khu vực băng bó và phải cắt bỏ hoàn toàn), trích rạch hoặc châm, chọc vào vết thương (gây tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh,...), hút nọc độc (không có hiệu quả thậm chí còn có thể khiến cho người hút cũng bị dính độc).
Trên đây là những thông tin về cách phân biệt rắn độc và rắn thường cũng như sơ cấp cứu cho người bị rắn cắn mà chúng tôi muốn chia sẻ đến các bạn. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, các bạn sẽ có thêm kiến thức để bảo vệ mình và người thân nếu chẳng may gặp trường hợp tương tự.