Là một trong những căn bệnh nguy hiểm và phổ biến nhất ở nước ta, bệnh sốt xuất huyết hay Sốt xuất huyết Dengue khiến cho hàng trăm ngàn người phải nhập viện và hàng chục ca tử vong mỗi năm. Căn bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng bệnh nhân. Do đó, việc nắm vững phương pháp điều trị và cách phòng ngừa bệnh Sốt xuất huyết Dengue là rất cần thiết.
Mục lục bài viết
Phương pháp điều trị bệnh Sốt xuất huyết Dengue
Hiện nay, trong y học vẫn chưa có một loại thuốc nào dùng để đặc trị bệnh Sốt xuất huyết Dengue. Các nghiên cứu mới chỉ dừng ở việc làm giảm, làm mất các triệu chứng của bệnh. Vì vậy, các phương pháp điều trị căn bệnh này đều không phụ thuộc quá nhiều vào thuốc. Thay vào đó, chúng chủ yếu dựa trên sức khoẻ cũng như khả năng kháng virus và phục hồi của bệnh nhân.
Để có thể tiến hành điều trị bệnh Sốt xuất huyết Dengue đơn gản, dễ dàng và thuận lợi, WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) cho phân loại căn bệnh này thành 4 cấp độ tuỳ thuộc vào tình trạng, các biểu hiện của căn bệnh. Các cấp độ này giúp tăng khả năng nhận thức độ nặng nhẹ của căn bệnh để từ đó có hướng giải quyết phù hợp. Mỗi cấp độ sẽ có tình trạng bệnh cụ thể như sau:
Cấp độ I: Sốt kéo dài đi kèm với những triệu chứng thông thường của bệnh sốt nói chung như đau đầu, nhức mỏi cơ thể, sức khoẻ bị giảm sút trầm trọng.
Cấp độ II: Có các triệu chứng của cấp độ I đi kèm với tình trạng xuất huyết dưới da, đặc biệt là ở các bộ phận như niêm mạc, cánh tay, bắp chân, lưng, cổ,...
Cấp độ III: Có các dấu hiệu của cấp độ II kèm tình trạng sốc nhẹ. Triệu chứng sốc thường biểu hiện ở việc suy hô hấp, suy tuần hoàn, huyết áp thấp, chân tay lạnh cóng, cơ thể bứt rứt, khó chịu,...
Cấp độ IV: Có các dấu hiệu của cấp độ III kèm tình trạng sốc mạnh. Triệu chứng sốc thường biểu hiện ở việc mạch và huyết áp rất khó bắt, hạ cực thấp hay thậm chí bằng 0, nói năng vô nghĩa, mê sảng thậm chí không thể nói, chân tay lạnh ngắt,...
Thông thường, với bệnh nhân có đầy đủ các biểu hiện sau đây: không có biến chứng; không cần truyền dịch tĩnh mạch; không có bệnh nền (hen suyễn, viêm phế quản, dị ứng, đái tháo đường,...); không bị xuất huyết ở những cơ quan quan trọng; bệnh nhân thuộc cấp độ I còn tỉnh táo và có thể cử động bình thường, bệnh nhân cấp độ II còn tỉnh táo và có thể cử động bình thường,... sẽ được chỉ định điều trị tại nhà bằng các phương pháp đơn giản, hiệu quả và đỡ tốn kém. Những trường hợp còn lại sẽ được tiến hành điều trị, cấp cứu ở bệnh viện với những dụng cụ tiên tiến, hiện đại nhằm đảm bảo mạng sống cho bệnh nhân.
Phương pháp điều trị bệnh Sốt xuất huyết Dengue tại nhà
Nếu bệnh nhân có những dấu hiệu cho thấy bệnh nhẹ, tiến triển chậm hoặc đã được bác sĩ chỉ định điều trị tại nhà, người thân sẽ cần phải lưu ý một số điều sau trong quá trình chữa trị, chăm sóc để tránh những biến chứng nguy hiểm đồng thời tăng khả năng hồi phục sức khoẻ:
Để người bệnh được nằm nghỉ ngơi, thư giãn: Trong quá trình bị bệnh, cơ thể bệnh nhân sẽ rất yếu ớt, suy kiệt. Vì vậy không nên đưa bệnh nhân đi lại lung tung mà thay vào đó hãy tạo một điều kiện thật thoải mái, dễ chịu và thông thoáng để người bệnh được nằm nghỉ ngơi, thư giãn.
Cho uống đầy đủ lượng nước cần thiết: Chỉ nên cho bệnh nhân uống vừa đủ lượng nước yêu cầu mỗi ngày, không quá nhiều hoặc quá ít. Nếu cho uống quá nhiều sẽ gây ra tình trạng rối loạn chất điện giải và có thể dẫn tới tử vong. Nếu có thể, hãy cho bệnh nhân uống một số dung dịch như nước oresol, nước gạo, nước rau luộc,...
Ăn thức ăn dễ tiêu: Khi bị sốt xuất huyết, các bộ phận trong đó có dạ dày sẽ bị kiệt sức, suy giảm các chức năng. Do đó, việc cần thiết lúc này là cho bệnh nhân ăn, uống các loại thức ăn dễ tiêu, ít dầu mỡ, vẫn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng như cháo, sữa, súp,...
Chỉ dùng paracetamol để hạ sốt: Đối với bệnh nhân bị Sốt xuất huyết Dengue, tuyệt đối không dùng bất cứ loại thuốc nào khác ngoài paracetamol để hạ sốt nhanh kể cả aspirin, ponstan hay kháng sinh,... Chúng có thể dẫn tới một số những biến chứng cực kỳ nguy hiểm như xuất huyết nặng, toan chuyển hoá máu (máu nhiễm axit),...
Thường xuyên kiểm tra để nắm rõ tình trạng bệnh nhân: Sốt xuất huyết Dengue rất dễ dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm kể cả khi bệnh ở mức độ nhẹ hay có tiến triển chậm. Đặc biệt, căn bệnh cũng có sự biến đổi rất phức tạp, bất ngờ do đó cần thường xuyên kiểm tra, nắm rõ tình trạng cơ thể bệnh nhân để sẵn sàng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất nếu có dấu hiệu bất thường xảy ra.
Các phòng tránh, ngăn ngừa bệnh Sốt xuất huyết Dengue
Trong y học hiện vẫn chưa có một loại văc xin phòng chống đặc hiệu nào đối với Sốt xuất huyết Dengue. Do đó, cách ngăn ngừa căn bệnh này hữu hiệu nhất vẫn là tập trung vào môi trường trung gian truyền bệnh - muỗi vằn. Theo đó, sẽ có hai phương hướng chính để ngăn ngừa bệnh là hạn chế, tiêu diệt muỗi cùng ấu trùng muỗi hoặc chống muỗi đốt. Cụ thể:
Hạn chế, tiêu diệt muỗi và ấu trùng muỗi
- Sử dụng một số biện pháp diệt muỗi như bình xịt, thuốc diệt muỗi, vợt điện diệt muỗi,..
- Đậy kín các dụng cụ chứa nước để tránh muỗi đẻ trứng.
- Thả cá, giáp xác ăn ấu trùng muỗi vào các dụng cụ chứa nước lớn.
- Thu gom, phân huỷ rác thải ở trong và xung quanh nhà. Đặc biệt là với những loại có thể chứa nước như chai, lọ, lốp xe, lon bơ,... đồng thời phát quang, dọn sạch rừng rậm, bụi rậm ở trong nhà.
- Chùi rửa các dụng cụ chứa nước thường xuyên.
Cách phòng chống muỗi đốt
- Thường xuyên mặc quần áo dài tay, nhất là ở những nơi có nhiều muỗi.
- Trước khi đi ngủ phải mắc màn đồng thật kỹ lưỡng, cẩn thận.
- Bảo vệ người đang bị sốt xuất huyết tránh bị muỗi đốt để lây lan sang cho người khác.
Hiện nay, mỗi năm nước ta phải chi hàng ngàn tỷ đồng để tiến hành công tác phòng chống, điều trị bệnh Sốt xuất huyết Dengue trong mùa dịch. Tuy vậy, Việt Nam vẫn là một trong những “điểm nóng” trên thế giới về số ca mắc bệnh và tử vong, đồng thời thiệt hại về kinh tế - xã hội mỗi năm là vô cùng lớn. Do đó, nắm được cách điều trị căn bệnh tại nhà cũng như phương pháp ngăn ngừa sốt xuất huyết hiệu quả sẽ vừa giúp bảo vệ bạn và người thân trong gia đình đồng thời hạn chế những tổn thất về mặt kinh tế cho đất nước.
Tìm hiểu thêm: Những dấu hiệu biểu hiện để nhận biết bệnh sốt xuất huyết