Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 700.000 người được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư gan và trong số đó có đến 600.000 ca tử vong. Từ tỉ lệ tử vong khi mắc bệnh ung thư gan như trên, có thể thấy căn bệnh này rất nguy hiểm. Vậy ung thư gan có chữa khỏi được không? Nếu có phương pháp điều trị ung thư gan là gì? Hãy cùng VnNews24h tìm hiểu về các phương pháp điều trị ung thư phổ biến, mang đến hiệu quả cao đang được áp dụng hiện nay.
Mục lục bài viết
Các phương pháp điều trị ung thư gan hiệu quả hiện nay
Cũng như những dạng ung thư khác, ung thư gan có thể chữa khỏi nếu được phát hiện khi mới ở giai đoạn 1 hoặc 2. Nếu bệnh đã ở giai đoạn 3 hoặc 4, tỉ lệ tử vong là rất cao. Các bác sĩ lúc này sẽ cố gắng hết sức để giúp làm giảm cơn đau đồng thời kéo dài sự sống cho bệnh nhân. Các biện pháp điều trị ung thư gan hiệu quả hiện nay có thể kể đến: liệu pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp thuyên tắc động mạch, nhắm mục tiêu,...Dựa vào vị trí, số lượng, kích thước của khối u và độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị ung thư gan khác nhau, cụ thể như sau:
► Liệu pháp phẫu thuật: Liệu pháp phẫu thuật thường được áp dụng cho những bệnh nhân phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu. Tỉ lệ chữa khỏi bệnh khi áp dụng phương pháp này lên đến 70%. Liệu pháp phẫu thuật được chia thành hai phương pháp chính:
- Phương pháp cắt bỏ một phần - cắt bỏ đi phần gan bị ung thư: Phương pháp này được thực hiện khi sức khỏe bệnh nhân tốt, khối u nhỏ, không phát triển ở mạch máu chính và đảm bảo khi cắt bỏ, số lượng gan còn lại vẫn đủ để thực hiện các chức năng.
- Phương pháp cấy ghép - cắt bỏ phần gan bị ung thư sau đó cấy ghép gan lành vào: Phương pháp này được thực hiện khi sức khỏe bệnh nhân yếu, khối u không thể cắt bỏ và đã có sẵn gan phù hợp để cấy ghép.
► Liệu pháp cắt bỏ khối u: Liệu pháp cắt bỏ khối u là phương pháp dùng sóng vô tuyến, cồn, vi sóng, làm đông tế bào để phá hủy, tiêu diệt các tế bào ung thư mà không cần phải cắt bỏ phần gan tương ứng. Phương pháp này được áp dụng cho bệnh nhân có khối u nhỏ nhưng không thể thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, phương pháp này không hiệu quả bằng phẫu thuật, hơn nữa có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau bụng, nhiễm trùng gan, chảy máu khoang ngực hoặc bụng.
► Liệu pháp thuyên tắc động mạch: Khi các tế bào ung thư gan xuất hiện, chúng sẽ được nuôi dưỡng bằng động mạch gan. Chính vì vậy liệu pháp thuyên tắc động mạch là phương pháp nhắm đến mục tiêu làm tắc động mạch gan khiến cho các tế bào ung thư không còn được nuôi dưỡng cuối cùng tự bị phá hủy. Phương pháp điều trị này thường được kết hợp cùng phẫu thuật cắt bỏ. Tuy nhiên khi động mạch bị làm tắc, lượng máu cung cấp cho gan sẽ giảm nên không thích hợp để áp dụng cho những người bị viêm gan, xơ gan hoặc một số bệnh nền về gan khác. Ngoài ra, liệu pháp làm tắc động mạch này còn có thể gây ra một số tác dụng phụ như: đau bụng, sốt, buồn nôn, nhiễm trùng gan, túi mật, tụ huyết trong các mạch máu gan ở gan và suy giảm chức năng gan. Liệu pháp thuyên tắc động mạch được thực hiện với 3 hướng chính:
- Thuyên tắc động mạch xuyên: Dùng ống thông vào động mạch qua vết cắt ở đùi rồi luôn vào động mạch gan. Tiếp đó bơm một số hạt nhỏ vào ống thông để chúng ngăn chặn đường đi của máu đến gan thông qua động mạch.
- Hóa trị liệu thuyên tắc: Đưa thuốc đến động mạch thông qua ống thông. Dưới tác dụng của thuốc, động mạch sẽ bị bít lại khiến cho các khối u không được nuôi dưỡng.
- Cấy vi cầu phóng xạ Y - 90: Tiêm các hạt nhỏ có đồng vị phóng xạ Y - 90 vào động mạch gan. Các hạt nhỏ này sẽ gây thuyên tắc mạch đồng thời xạ trị trong vài ngày.
► Liệu pháp điều trị nhắm mục tiêu: Liệu pháp nhắm mục tiêu phương pháp sử dụng các loại thuốc có khả năng thay đổi các tế bào ung thư như: Sorafenib (Nexavar) và Regorafenib (Stivarga) để điều trị. Nhược điểm của phương pháp này là gây ra một số những tác dụng phụ như: mệt mỏi, phát ban, ăn mất ngon, tiêu chảy, huyết áp cao thậm chí gây tổn thương gan, thủng dạ dày, ruột hoặc ảnh hưởng tới lượng máu chảy vào tim. Hiện nay, hai loại thuốc chính được sử dụng trong liệu pháp điều trị nhắm mục tiêu là: Sorafenib (Nexavar) và Regorafenib (Stivarga).
► Liệu pháp xạ trị: Xạ trị là phương pháp sử dụng tia phóng xạ năng lượng để chiếu vào cơ thể, gây ảnh hưởng đến các tế bào ung thư nhằm mục đích làm giảm kích thước hoặc tiêu biến khối u. Phương pháp này có thể gây ra những tác dụng phụ như rộp, bong tróc da, buồn nôn, ói mửa, mệt mỏi, thiếu máu,... Để hạn chế tác dụng này, liệu pháp xạ trị được thay thế bằng cách áp dụng cấy vi cầu phóng xạ.
► Liệu pháp miễn dịch: Hệ miễn dịch có một cơ chế gọi là điểm kiểm soát - có chức năng bảo vệ các tế bào. Các tế bào ung thư cũng lợi dụng điểm kiểm soát này để chống lại sự tấn công của hệ miễn dịch. Do vậy liệu pháp miễn dịch là phương pháp sử dụng các loại thuốc để phá hủy và ngăn chặn hoạt động của điểm kiểm soát, từ đó tạo điều kiện cho hệ miễn dịch tiêu diệt các tế bào ung thư. Liệu pháp miễn dịch có nhược điểm là gây ra tác dụng phụ như cơ thể mệt mỏi, yếu ớt, sốt, ho, buồn nôn, ngứa, phát ban,...hoặc một số biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng hơn như phản ứng phụ của thuốc (giống với dị ứng), phản ứng miễn dịch.
► Liệu pháp hóa trị: Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Khi thực hiện phương pháp hóa trị, các bác sĩ sẽ có hai hướng: hóa trị toàn thân và hóa trị truyền động mạch gan. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là nếu gan quá khỏe, chúng sẽ phân hủy và làm mất tác dụng của thuốc. Chính vì vậy, phương pháp hóa trị chỉ có thể làm cho khối u co lại mà không thể tiêu biến hoàn toàn. Ngoài ra, phương pháp hóa trị còn có thể gây ra tác dụng phụ bao gồm: rụng tóc, lở miệng, ăn không ngon, buồn nôn, ói mửa, các biến chứng do thiếu máu,...
Trên đây là một số phương pháp điều trị ung thư gan hiệu quả được áp dụng hiện nay. Cùng với sự phát triển của y học, tin rằng trong tương lai tỉ lệ bệnh nhân tử vong do mắc ung thư gan sẽ giảm đi. Phát hiện ung thư gan kịp thời và chữa trị bằng những phương pháp thích hợp sẽ giúp bệnh nhân tránh được nguy cơ tử vong cao nhất.