Mục lục bài viết
Tính đến thời điểm này đã có hàng trăm máy bay và tàu thuyền chìm sâu dưới đáy Tam giác quỷ Bermuda, biến địa danh này trở thành cơn ác mộng của những người lữ hành đi qua.
Tàu Mary Celeste
Sử sách còn ghi lại rằng, tàu Mary Celeste rời Genoa vào ngày 7/11/1872. Đến ngày 4/12/1872, các thủy thủ trên tàu Gratia Dei nhìn thấy tàu Mary Celeste đang trôi nổi một cách ngẫu nhiên trên biển. Khi đến gần Mary Celeste, họ phát hiện con tàu này hoàn toàn trống trơn, không một bóng người. Ngay cả các xuồng cứu hộ cũng không được tìm thấy dù con tàu "ma" nhìn chung vẫn trong tình trạng rất tốt.
Chuyến bay 19
Trường hợp này là sự kiện được ghi chép tốt nhất và được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử của Tam giác Bermuda. Chuyến bay 19 là một toán 5 chiếc máy bay ném ngư lôi TBM Avenger của Hải quân Hoa Kỳ biến mất trong quá trình bay huấn luyện ngày 5 tháng 12 năm 1945 từ căn cứ Không lực Hải quân Ft Lauderdale, Florida. Khi 5 chiếc máy bay biến mất, Hoa Kỳ đã điều động thêm 1 chiếc máy bay cứu hộ nhưng chiếc này cũng cùng chung số phận. Số lượng tử vong gồm tất cả 14 thành viên đội bay của chuyến bay 19, cũng như 13 thành viên đội bay đến cứu hộ và tìm kiếm họ. Thanh tra Hải quân kết luận rằng Chuyến bay 19 bị mất phương hướng và rơi xuống biển sau khi máy bay hết nhiên liệu, nhưng nhiều người nghi vấn những giả thuyết của Hải quân những năm sau đó, và những suy đoán đã tạo ra truyền thuyết về Tam giác Bermuda.
Máy bay hành khách Douglas DC-3
Vào ngày 28 tháng 12 năm 1948 chiếc máy bay DC-3 với 36 người lên đường bay từ Puerto Rico đến Miami. Trong lần đàm thoại vô tuyến điện cuối cùng, phi công Bob Linquist nói rằng máy bay còn cách Miami 50 dặm về phía Nam và đã có thể nhìn thấy ánh đèn của thành phố. Ngay sau đó, chiếc máy bay này biến mất cùng với viên phi công và tất cả số hành khách.
Nhiều người viện dẫn rằng, trước khi xuất phát tại Puerto Rico người lái máy bay đã lưu ý về việc thiết bị liên lạc vô tuyến của ông bị trục trặc. Có thể là ông đã không nhận được thông báo về việc gió đổi hướng trong lúc bay và vì thế vào thời điểm liên lạc vô tuyến lần cuối cùng, ông đã ở về phía Nam của hướng bay 50 dặm, tức là cách Miami khoảng 100 dặm. Ngoài ra, từ câu nói có thể thấy được ánh đèn thành phố làm cho người ta suy đoán rằng, viên phi công này đã tìm thấy Tam giác quỷ.
Tàu Marine Sulphur Queen
Năm 1963 chiếc tàu chở dầu Marne Sulphur Queen biến mất với 19 người thủy thủ đoàn. Các đàm thoại vô tuyến và lần liên lạc vô tuyến cuối cùng cho thấy là chiếc tàu đã chìm về phía Tây của Key West, tức là ngoài vùng được gọi là tam giác Bermuda. Chiếc tàu hơn 20 năm tuổi này chở theo 15.000 tấn lưu huỳnh lỏng và nhổ neo rời Beaumont, Texas vào ngày 2 tháng 2 năm 1963. Cuộc liên lạc vô tuyến cuối cùng xảy ra vào khoảng 1 giờ 30 ngày 4 tháng 2. Khi chiếc tàu không đến Norfolk, Virginia vào ngày 7 tháng 2 theo như trong kế hoạch, một cuộc tìm kiếm trên gần 350.000 dặm vuông kéo dài 6 ngày được bắt đầu ngay ngày hôm sau. Người ta chỉ tìm thấy một vài vật nhỏ từ chiếc tàu như phao bơi và áo vét cứu hộ.
Boeing 727 của National Airlines
Năm 1970, Ivan T. Sanderson trong quyển “Invisible Residents: The Reality of Underwater UFOs” nói về người ngoài Trái Đất sống dưới đáy biển đã tường thuật rằng trong một chuyến bay của National Airlines với một chiếc Boeing 727, đã xảy ra biến cố ngay trước khi đáp xuống. Trong lúc chuẩn bị, chiếc Boeing được cho là đã biến mất trên màn hình radar 10 phút, bất thình lình xuất hiện trở lại và đáp bình thường xuống Cảng hàng không quốc tế của Miami. Sanderson đã viết lại rằng ngay cả đồng hồ của 2 phi công lẫn của hành khách đều chạy chậm mất 10 phút. Khoảng cách thời gian này cũng được quan sát thấy trên đồng hồ bấm giờ của máy bay.
Ngoài các vụ tai nạn kể trên, danh sách các “nạn nhân” của Tam giác quỷ Bermuda còn được tiếp nối với hàng loạt những vụ mất tích tương tự. Năm 1947 chiếc máy bay "Superfort" không trở về sân bay xuất phát. Chiếc C-54 Skymaster và đội bay được nghe thấy lần cuối cùng khi cách Bermuda 100 dặm, sau đấy liên lạc vô tuyến bị cắt đứt. Năm 1948 chiếc "Star Tiger" của Anh biến mất trên bầu trời một cách không giải thích được. Năm 1949 chiếc "Star Ariel" biến mất khi cách Bermuda 380 dặm về phía Tây-Nam, năm 1950 một chiếc máy bay kiểu Globemaster ở tận cùng phía Bắc của tam giác và năm 1952 là một chiếc máy bay Anh trên đường đi đến Jamaica. Suốt 70 năm qua, ở dưới đáy vùng này đã có hàng trăm xác máy bay và tàu thủy nằm lại và đến bây giờ, chúng ta cũng chỉ tìm lại được 10% trong số chúng.