Mai là một loại hoa quen thuộc, được nhiều người dân Việt Nam chưng vào những ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền với mong muốn một năm mới an khang, thịnh vượng cùng những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình. Để có một chậu hoa mai chưng Tết, nhiều người hiện nay vẫn thường lựa chọn tự trồng hoặc mua ở ngoài với giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu hay thậm chí là vài chục triệu. Bên cạnh đó, mọi người vẫn muốn chăm sóc mai thật tốt để chúng có thể sống đến năm sau. Tuy nhiên do mai là một loại cây khá khó chăm sóc, hầu hết mọi người thường không thể khiến cho nó nở hoa vào đúng đêm Giao thừa hoặc vào sáng mùng 1 Tết đồng thời cũng không thể chăm sóc để nó sống đến năm sau. Nếu bạn cũng đang gặp khó khăn về vấn đề này, hãy cùng tham khảo những kỹ thuật chăm mai ngày Tết để có thể chăm sóc cho cây mai tốt nhất.
Mục lục bài viết
Cách chăm sóc mai trước ngày Tết
Để mai có thể nở hoa vào đúng dịp Tết, phương pháp đơn giản và hiệu quả vẫn được nhiều người áp dụng đó là tỉa lá. Sau khi tỉa lá, hoa mai sẽ có thể nở vào đúng đêm Giao thừa hoặc vào sáng mùng 1 Tết. Tuy nhiên, việc tỉa lá diễn ra vào ngày nào, tỉa ra sao thì mang lại hiệu quả? Để xác định thời điểm tuốt lá phù hợp thì bạn có thể dựa vào những yếu tố sau đây:
► Mầm hoa: Mầm hoa sẽ mọc ra ở nách lá vào khoảng tháng 5 đến tháng 6 hàng năm. Kích thước mầm hoa sẽ lớn dần và đến tháng 12 âm lịch thì nó sẽ có vỏ trấu bao bên ngoài. Lúc này, bạn có thể lựa chọn tuốt lá mai cách ngày Tết khoảng 13 - 14 ngày. Nếu mầm hoa chưa lớn và có lớp vỏ dày, bạn nên tuốt lá trước ngày 15 âm lịch.
► Thời tiết: Nếu thời tiết có nhiệt độ cao, nắng to, hoa sẽ ra nhanh hơn. Nếu thời tiết có nhiệt độ thấp, trời lạnh, hoa sẽ ra muộn hơn và bạn cần tuốt lá sớm.
► Quá trình sinh trưởng và phát triển của cây: Nếu cây mai phát triển tốt, nhiều lá thì hoa sẽ ra chậm. Do đó bạn cần tiến hành tuốt lá sớm.
Bên cạnh giải pháp tuốt lá, bạn cũng có thể sử dụng một số phương pháp sau đây để điều chỉnh cho mai nở sớm hoặc muộn:
► Để mai nở sớm: Tuốt lá mai từ ngày 10 - 12 âm lịch rồi nghỉ tưới nước để nhựa cây khô lại. Tưới thúc thêm phân NPK rồi chờ đến sau 5 ngày thì tưới nước lại bình thường. Đến ngày 23 âm lịch lại tưới thúc phân. Nếu tuốt lá quá trễ, bạn có thể sử dụng các biện pháp phun ướt mầm hoa lúc trời nắng; tưới nước ấm vào gốc khi trời lạnh; đặt nước đá lên mặt đất gần gốc; ngắt đọt non; dùng đèn thắp sáng lúc 7 - 8 giờ tối.
► Để mai nở muộn: Đợi đến ngày 20 mới tiến hành tuốt lá. Ngưng tưới nước 1 ngày rồi pha loãng phân NPK, phân lạnh hoặc phân ure và bón cho cây. Nếu hoa đến ngày 23 âm đã bắt đầu bung trấu thì cần đặt cây nơi râm mát, tưới đẫm nước (tránh làm ngập úng rễ) hoặc đào nhẹ quanh gốc để làm đứt một số rễ cám cho hoa nở đúng dịp Tết.
Cách chăm sóc mai sau ngày Tết.
Đối với những người có mong muốn tiếp tục sử dụng cây mai vào dịp Tết năm sau mà không cần phải mua mới, việc chăm sóc mai sau Tết là rất quan trọng. Tùy thuộc vào loại mai mà bạn sẽ có cách chăm sóc khác nhau. Với cây mai trưng trong nhà, bạn sẽ cần đem mai ra ngoài trời để cây có thể quang hợp. Tuy nhiên không nên đặt ở nơi có ánh nắng quá gắt sẽ làm cháy lá mai. Với chậu mai chưng ngoài sân hoặc trồng trong đất, do cây đã quen với môi trường nên không cần phải chăm sóc quá kỹ càng như chậu cây trong nhà. Tuy nhiên, bạn cũng nên thực hiện theo các bước chăm sóc sau đây:
► Bước 1: Nhặt bỏ hết hoa và nụ để cây không phải dồn chất dinh dưỡng nuôi nụ, hoa. Thường xuyên tưới nước để cây xanh tốt.
► Bước 2: Tỉa cành từ ngày 15 - 20 tháng giêng. Sau khi tỉa xong, dùng 1 thìa ure với 10 lít nước phun lên cây và tưới quanh gốc cây. Nếu thấy cây đã hồi sức và đâm chồi thì không cần phun thuốc kích thích chồi lá. Còn nếu cây vẫn yếu ớt và không có chồi lên thì cần phun thuốc theo hướng dẫn trên bao bì.
► Bước 3: Dùng vòi nước phun và bàn chải chà thật mạnh vào thân cây để loại bỏ hết rong rêu, nấm mốc.
► Bước 4: Chuyển mai qua chậu mới nếu cần. Khi chuyển mai, tốt nhất nên đục một lỗ thoát nước lớn ở trong chậu, bỏ một lớp gạch đá mỏng xuống dưới, lót đất lên rồi đặt gốc mai cho ngay ngắn. Cuối cùng cho thêm một ít đất đã trộn phân hữu cơ vào, lên đến 8/10 chậu là được.
► Bước 5: Sau khi đã thực hiện hết các bước trên, bạn sẽ cần tiến hành tưới nước hàng ngày cho cây. Chú ý tưới đều với lượng nước vừa phải để cây không bị úng hoặc thiếu nước, từ đó dẫn đến héo lá, vàng hay rụng lá.
Trên đây là những kỹ thuật chăm mai Tết mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng sau khi tham khảo bài viết, bạn đã có thêm kiến thức để có thể chăm sóc mai một cách tốt nhất, giúp cây ra hoa đúng dịp và sống được nhiều năm.