Cho đến ngày nay, Trái Đất vẫn là nơi cư trú duy nhất của loài người. Đây là nơi chúng ta sinh ra, tồn tại và ra đi. Vậy, bạn đã hiểu được bao nhiêu điều về “Người mẹ khổng lồ” của cả nhân loại? Hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu thêm một số thông tin về “hành tinh xanh” của chúng ta.
Mục lục bài viết
Trái Đất là gì?
Trái Đất là một hành tinh thuộc Hệ Mặt Trời, là hành tinh thứ 3 tính từ Mặt Trời và đồng thời cũng là hành tinh lớn nhất trong các hành tinh đất đá (gồm Sao Thuỷ, Sao Hoả, Trái Đất và Sao Kim) xét về bán kính, khối lượng lẫn mật độ vật chất. Trái Đất còn được biết đến với các tên gọi “Thế Giới”, “hành tinh xanh” hay “Địa Cầu”. Đến thời điểm hiện nay, với những hiểu biết của loài người thì đây vẫn là nơi duy nhất có sự sống, nơi chứa đựng hàng triệu loài sinh vật, trong đó có con người.
Tìm hiểu những thông tin về Trái Đất
Trái Đất bao nhiêu tuổi?
Các nhà địa chất học và địa vật lý hiện đại cho rằng tuổi của Trái Đất vào khoảng 4,54 tỷ năm (4,54 x 10^9 năm ± 1%). Độ tuổi này xấp xỉ độ tuổi của Mặt Trời (4,57 tỷ năm). Ngoài ra, sự sống cũng xuất hiện trên bề mặt Trái Đất khoảng 1 tỷ năm trước.
Khoảng cách từ Trái Đất đến các hành tinh trong Hệ Mặt Trời
- Khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng: 384.403 km (1,3 giây ánh sáng).
- Khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời: 149,6 triệu km (8,32 phút ánh sáng).
- Khoảng cách từ Trái Đất đến Sao Thủy: 91,8 triệu km (5,1 phút ánh sáng).
- Khoảng cách từ Trái Đất đến Sao Kim: 41,4 triệu km (2,3 phút ánh sáng).
- Khoảng cách từ Trái Đất đến Sao Hỏa: 78,3 triệu km (4,35 phút ánh sáng).
- Khoảng cách từ Trái Đất đến Sao Mộc: 629,1 triệu km (34,95 phút ánh sáng).
- Khoảng cách từ Trái Đất đến Sao Thổ: 1.274,4 triệu km (1,18 giờ ánh sáng).
- Khoảng cách từ Trái Đất đến Sao Thiên Vương: 2.721,6 triệu km (2,52 giờ ánh sáng).
- Khoảng cách từ Trái Đất đến Sao Hải Vương: 4.352,4 triệu km (4,03 giờ ánh sáng).
- Khoảng cách từ Trái Đất đến Sao Diêm Vương: 4.968 triệu km (4,6 giờ ánh sáng).
Trái Đất có hình gì?
Trong suy nghĩ của đa số mọi người, Trái Đất có hình cầu nhưng điều này là chưa chính xác. Hình dạng đúng nhất của "hành tinh xanh" thực ra là gần với hình phỏng cầu. Hình dạng này được tạo nên bởi lực li tâm sinh ra khi Trái Đất tự quay quanh trục. Nó có hình dạng của hình cầu nhưng bị nén lại ở hai cực và phình ra ở xích đạo. Do đó, đường kính của Trái Đất tính theo đường xích đạo dài hơn đường kính tính từ cực tới cực khoảng 43 km.
Ngoài ra, địa hình của các khu vực ở trên Trái Đất cũng có sự khác nhau, tạo nên sai lệch nhất định so với hình phỏng cầu hoàn hảo. Nơi có độ lệch lớn nhất trên Trái Đất (độ cao và độ sâu) là đỉnh Everest (cao 8.848 m so với mực nước biển) và rãnh Mariana (sâu 10.911 m so với mực nước biển). Do sự phình ra ở xích đạo, nơi xa tâm Trái Đất nhất là đỉnh Chimborazo ở Ecuador.
Các đặc điểm của Trái Đất và so sánh với Mặt Trời
- Kích thước của Trái Đất: Tại xích đạo, đường kính của Trái Đất đo được là khoảng 12756,28 km. Nếu tính từ cực tới cực, con số này là khoảng 12713,56 km. Đường kính trung bình của Trái Đất là 12742,02 km (tham chiếu từ hình phỏng cầu hoàn hảo). Trong khi đó, đường kính trung bình của Mặt Trời là khoảng 1,392 x 10^6 km, tức là gấp 109 lần so với Trái Đất.
- Khối lượng của Trái Đất: Khoảng 5973,6 x 10^21 kg, khối lượng của Trái Đất nhỏ hơn 332.946 lần so với Mặt Trời (1,9891 x 10^30 kg).
- Thể tích của Trái Đất: Khoảng 1083, 2073 x 10^9 km3, thể tích của Trái Đất nhỏ hơn 1.300.000 lần so với Mặt Trời (1,4122 x 10^18 km3).
- Diện tích của Trái Đất: Khoảng 510072000 km2, nhỏ hơn 11.900 lần so với Mặt Trời (6,0877 x 10^12 km2). Trong đó, diện tích đất là 148940000 km2 (chiếm 29,2%) và diện tích nước là 312369000 km2 (chiếm 70,8%).
Chu kỳ quay của Trái Đất
Trái Đất quay quanh Mặt Trời trong 365,25696 ngày (bằng 1,0000191 năm). Chu kỳ quay quanh trục là 0,99726968 ngày (bằng 23,394 giờ). Do trục Trái Đất nghiêng một góc là 23,4 độ so với trục vuông góc với mặt phẳng quỹ đạo nên trong một chu kỳ của mình, lượng ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống một điểm trên Trái Đất sẽ thay đổi liên tục. Điều này là nguyên nhân tạo nên 4 mùa xuân, hạ, thu, đông ở các vùng trên Trái Đất.
Do sự thay đổi khoảng cách đến trục quay, nơi chuyển động nhiều nhất mỗi ngày là các điểm trên đường xích đạo. Mỗi ngày, một điểm ở xích đạo di chuyển khoảng 40.000 km. Trong khi đó, các điểm ở 2 địa cực coi như đứng yên. Ngoài ra, chúng ta cũng đang di chuyển với tốc độ 30 km/s quanh Mặt Trời. Tuy nhiên, do khối lượng con người là quá nhỏ và lực hấp dẫn của Trái Đất đáng kể hơn nhiều nên chúng ta không cảm thấy được cả 2 chuyển động này.
Nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất
Nhiệt độ bề mặt Trái Đất hiện nay là nhiệt độ hàng ngày chúng ta vẫn cảm thấy trong khí quyển. Bầu khí quyển tạo ra hiệu ứng nhà kính thu nhận nhiệt năng toả ra từ mặt đất giúp tăng nhiệt độ trung bình. Nếu không có lớp khí quyển này, nhiệt độ trung bình của bề mặt Trái Đất sẽ là - 18 độ C. Hiện nay, nhiệt độ thấp nhất đo được trên Trái Đất là ở Nam Cực với - 88 độ C. Nhiệt độ cao nhất đo được là ở châu Phi với 58 độ C.
Sự phát triển của sinh vật trên Trái Đất
Toàn bộ quá trình phát triển sinh vật trên Trái Đất kéo dài vài tỷ năm, được chia thành các giai đoạn lớn gọi là đại và giai đoạn nhỏ gọi là kỷ. Cụ thể:
- Đại thái cổ Archeozoic: Bắt đầu cách đây 4,6 tỷ năm và kết thúc cách đây 2,6 tỷ năm. Đại này không chia kỷ. Ở thời đại thái cổ Archeozoic, vi khuẩn bắt đầu phát triển các dạng nguyên thuỷ sau khi bắt đầu thời đại 1,1 tỷ năm và tiến hoá dần lên các dạng sơ đẳng.
- Đại nguyên sinh Proterozoic: Bắt đầu 2,6 tỷ năm trước và kết thúc cách đây 570 triệu năm. Đại này không chia kỷ. Ở đại này, các sinh vật đa bào (tập đoàn tảo và rong biển) đã bắt đầu xuất hiện ở đại dương. Bọt biển là động vật đa bào sớm nhất phát triển và hình thành từ các tập đoàn tế bào. Sau đó, những sinh vật có mô cơ sinh học, neuron thần kinh như sứa, hải quỷ, thuỷ tức cũng bắt đầu xuất hiện ở đại dương. Cuối đại này, động vật chân đốt bắt đầu xuất hiện. Cùng với đó là sự hình thành lớp ozone, tạo điều kiện cho những chuyến chinh phục đất liền của các động vật dưới nước.
- Đại cổ sinh Paleozoic: Bắt đầu 570 triệu năm trước và kết thúc cách đây 245 triệu năm. Đây là thời kỳ phát triển sự sống khá mạnh. Các loài động vật có cấu tạo tương đối phức tạp đã bắt đầu xuất hiện. Vào cuối đại này, các loài bò sát lớn và phức tạp cũng như một số loài thực vật hiện đại (thông, tùng, bách) đã bắt đầu xuất hiện. Đại cổ sinh được chia thành 6 kỷ: Kỷ Cambri, Kỷ Ordovic, Kỷ Silure, Kỷ Devone, Kỷ Carbon, Kỷ Permi.
- Đại trung sinh Mesozoic: Bắt đầu cách đây 245 triệu năm và kết thúc cách đây 66,4 triệu năm. Đại này còn được biết đến nhiều hơn dưới tên gọi “Thời đại của Khủng long” do sự phổ biến và phát triển đến đỉnh cao của loài khủng long trong thời gian này. Đại Trung sinh Mesozoic gồm có 3 kỷ: Kỷ Trias, Kỷ Jura, Kỷ Creta. Đại này kết thúc với sự kiện tuyệt chủng kỷ Creta - phân đại đệ Tam khiến 50% các chi động vật, trong đó bao gồm tất cả các loài khủng long không biết bay, bị tuyệt chủng.
- Đại tân sinh Cenozoic: Bắt đầu sau thời Đại trung sinh và còn kéo dài đến ngày nay. Đây là thời đại của các động vật có vú. Trong thời Đại tân sinh, các loài động vật có vú đã chia nhánh từ một vài dạng tổng quá, nhỏ và đơn giản thành một tập hợp đa dạng gồm các loài trên cạn, dưới nước và cả không trung. Các loài chim cũng có sự tiến hoá cơ bản ở thời đại này. Đại tân sinh gồm 3 kỷ: Kỷ Palaeogen (Cổ Đệ Tam), Kỷ Neogen (Tân Đệ Tam), Kỷ Đệ tứ.
Trên đây là một số thông tin về Trái Đất như hình dáng, khối lượng, kích thước và diện tích của Trái Đất cùng với sự phát triển của các sinh vật sống trong nó mà chúng tôi muốn chia sẻ đến các bạn đọc. Hy vọng sau bài viết này, các bạn đã có thêm một số thông tin bổ ích về hành tinh xanh, mái nhà chung của tất cả chúng ta.
Tìm hiểu thêm: Mặt trăng - Vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất