Ung thư vòm họng là một trong những căn bệnh ung thư về đầu và cổ phổ biến nhất ở Đông Á, Đông Nam Á và Châu Phi. Nó gây ra cái chết cho khoảng 65.000 người mỗi năm. Hiểu biết về ung thư vòm họng sẽ giúp bạn biết cách phòng tránh và đối mặt với căn bệnh này.
Mục lục bài viết
1. Nguyên nhân gây ra ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng còn được gọi là ung thư biểu mô vòm họng (NPC) là một loại ung thư xuất phát từ các biểu mô của vùng vòm họng. NPC xảy ra do sự kết hợp các yếu tố: virus, di truyền và môi trường xung quanh. Ảnh hưởng của virus có thể đến từ Epstein - Barr (EBV). Đây là một trong những virus phổ biến nhất thế giới với 95% người Mỹ tuổi từ 30-40 nhiễm loại virus này. Các nhà nghiên cứu từng phát hiện thấy một số mảnh ADN của EBV kết hợp với AND của tế bào vòm họng bị ung thư. Tuy nhiên, Hoa Kỳ lại là một trong các quốc gia ít bị ung thư vòm họng nhất. Do đó, đến nay liên quan của EBV đến ung thư vòm họng vẫn chưa được chứng minh đầy đủ. Các nguyên nhân khác thường thấy ở những người châu Á như uống nhiều rượu, hút thuốc lá, thuốc lào hoặc ăn cá muối, dưa muối có chứa chất nitrosamine gây ung thư.
2. Đối tượng dễ bị mắc ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng xảy ra ở mọi giới tính, mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất là ở nam giới tuổi từ 40 đến 60. Đây là thể thường gặp nhất trong các loại ung thư ở vùng đầu, cổ và là một trong 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam. Những người dễ mắc bệnh là những người thường uống rượu, hút thuốc và có tiền sử gia đình bị bệnh.
3. Biện pháp phòng tránh
Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư vòm họng chưa được xác định rõ ràng nên các bác sĩ chỉ đưa ra một số biện pháp nên áp dụng để tránh tiếp xúc với các nguyên nhân có khả năng gây bệnh như sau:
- Không nên hút thuốc lá, thuốc lào hoặc nếu đã hút thì nên từ bỏ.
- Hạn chế uống rượu, bia và các chất có cồn.
- Hạn chế ăn thịt muối, cá muối hoặc các thức ăn lên men như dưa muối, cà muối,....
4. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh
Không dễ dàng để phát hiện ung thư vòm họng do bệnh thường chỉ phát tác ở giai đoạn cuối. Tuy vậy, bạn cũng nên đi khám các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng hoặc chuyên khoa ung bướu khi có các triệu chứng bất thường về tai mũi họng kéo dài mà các cách điều trị thông thường không thể chữa khỏi. Ngoài ra, các triệu chứng thường thấy ở bệnh nhân ung thư vòm họng gồm:
- Xuất hiện khối u hoặc hạch bất thường ở vùng cổ hoặc họng.
- Đau họng trong thời gian trên 1 tuần mà uống thuốc không khỏi.
- Khó thở hoặc khó nói.
- Thường xuyên chảy máu cam.
- Ngạt tắc mũi kéo dài.
- Khó nghe, đau tai hoặc ù tai.
- Có thể bị đau nửa đầu.
5. Phương pháp điều trị bệnh ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng trải qua nhiều giai đoạn và tuỳ theo từng giai đoạn mà các bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị thích hợp. Những phương pháp điều trị ung thư vòm họng hiện nay gồm có xạ trị, hoá trị liệu hoặc kết hợp cả 2 phương pháp.
Xạ trị: Là phương pháp chủ yếu dùng cho các bệnh nhân mà bệnh đang ở giai đoạn I hoặc II, tức là u nằm giới hạn trong vòm họng hoặc mở rộng ra khu vực nhỏ xung quanh.
Hoá trị liệu: Phương pháp này có hiệu quả cao hơn so với xạ trị và có thể điều trị những khối u lớn hơn. Tuy nhiên, hoá trị liệu chỉ có thể được sử dụng ở những cơ sở y tế có nhiều kinh nghiệm hoặc khi bệnh nhân có tình trạng sức khoẻ còn tốt. Ngoài ra, hoá trị liệu sẽ kéo dài thời gian điều trị, tăng chi phí và người bệnh thường phải chịu các tác dụng phụ ngoài mong muốn.
Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn IV, tức là khối u đã rất lớn và di căn đến các khu vực khác, lúc đó việc điều trị chủ yếu là làm giảm triệu chứng và tăng thời gian sống cho bệnh nhân.
6. Ăn uống đối với bệnh nhân bị ung thư vòm họng
Trong và sau quá trình điều trị ung thư vòm họng không yêu cầu khẩu phần ăn đặc biệt. Tuy nhiên cũng nên lưu ý đến một số vấn đề sau:
- Nên cho bệnh nhân ăn thức ăn lỏng, dễ nuốt để tránh bị nghẹn trong quá trình ăn uống.
- Chế độ ăn nên đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng.
- Nên vệ sinh miệng, họng cho bệnh nhân hàng ngày.