Sóng thần - “Cơn thịnh nộ của đại dương” là một trong những thảm họa khủng khiếp nhất, có sức tàn phá to lớn nhất mà nhân loại từng phải đối mặt. Mặc dù không xảy ra thường xuyên như bão hay động đất nhưng hầu hết các cơn sóng thần đều để lại những thiệt hại nặng nề về người và của. Và sau đây hãy cùng tìm hiểu về danh sách những cơn sóng thần mạnh nhất trong lịch sử mà loài người từng phải đối mặt.
Mục lục bài viết
- 8. Cơn sóng thần ở Pangandaran (Indonesia) năm 2006
- 7. Cơn sóng thần ở Chile năm 2010
- 6. Cơn sóng thần ở Nhật Bản năm 1933
- 5. Cơn sóng thần ở Papua New Guinea năm 1998
- 4. Cơn sóng thần ở Philippines năm 1976
- 3. Cơn sóng thần ở Chile năm 1960
- 2. Cơn sóng thần ở Nhật Bản năm 2011
- 1. Cơn sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004
8. Cơn sóng thần ở Pangandaran (Indonesia) năm 2006
Vào ngày 17 tháng 7 năm 2006, một trận động đất mạnh 7,7 độ Richter đã xảy ra ở dưới đáy biển Ấn Độ Dương, cách hòn đảo Java của Indonesia khoảng 180 kilômét (km). Buổi chiều cùng ngày, một cơn sóng thần cao tới 7 mét (m) đã ập vào trên một khu vực dài tới 300km thuộc Pangandaran, một quận nằm ở bờ biển phía tây và nam của đảo Java. Thảm họa đã phá hủy hoàn toàn các ngôi nhà nằm trong phạm vi từ 300 - 500m thuộc bờ biển đồng thời lấy đi tính mạng của hơn 600 người.
7. Cơn sóng thần ở Chile năm 2010
Vào ngày 27 tháng 2 năm 2010, một trận động đất có cường độ khoảng 8,8 độ Richter đã xảy ra dưới đáy biển ở miền trung Chile. Trận động đất này đã tạo ra nhiều cơn sóng thần liên tiếp, tấn công vào các thị trấn ven biển của Chile và gây ra cái chết của 4 người đồng thời khiến 11 người mất tích. Các quốc gia ở khu vực lân cận cũng bị tấn công bởi những đợt sóng từ 1 - 2m. May mắn là cảnh báo đã được phát ra từ rất sớm do đó thiệt hại về người là không quá lớn.
6. Cơn sóng thần ở Nhật Bản năm 1933
Vào ngày 2 tháng 3 năm 1933, một trận động đất mạnh 8,4 độ Richter đã xảy ra ở gần bờ biển Sanriku thuộc hòn đảo Honshu, Nhật Bản. Trận động đất xảy ra ở khá xa khu dân cư nên thiệt hại là không lớn. Tuy nhiên cơn sóng thần dữ dội theo sau đó lại gây ra sự tàn phá kinh hoàng. Theo ghi nhận, những đợt sóng với độ cao lên tới 28,7m đã tấn công và các khu vực dọc bờ biển phía bắc Nhật Bản, phá hủy khoảng 7.000 ngôi nhà, cướp đi sinh mạng của 1.500 người và khiến cho một số lượng nạn nhân tương tự bị mất tích cùng 12.000 người khác bị thương. Nơi bị tổn thất nặng nề nhất phải kể đến là thị trấn Taro thuộc tỉnh Iwate với 98% số nhà cửa bị phá hủy cùng 42% dân số tử vong.
5. Cơn sóng thần ở Papua New Guinea năm 1998
Vào ngày 17 tháng 7 năm 1998, trận động đất có cường độ 7,0 độ Richter đã xảy ra gần khu vực phía bắc Papua New Guinea. Trận động đất không đủ khả năng để gây ra sóng thần nhưng nó lại làm một khối lượng đất khổng lồ dưới đáy biển bị sụt lở. Và chỉ vài phút sau đó, một cơn sóng thần với độ cao ghi nhận 15m tấn công vào khu vực ven biển dài hơn 30km, phá hủy hoàn toàn một số ngôi làng đồng thời gây ra cái chết cho hơn 2.000 người. Khoảng 500 người bị mất tích, hàng nghìn người bị thương đồng thời hơn 9.000 người trở thành vô gia cư.
4. Cơn sóng thần ở Philippines năm 1976
Vào ngày 17 tháng 8 năm 1976, một trận động đất mạnh khoảng 8,0 độ Richter đã xảy ra ở gần khu vực các đảo Mindanao và Sulu của Philippines, tạo ra cơn sóng thần mạnh nhất trong lịch sử Philippines và cũng là thảm họa nghiêm trọng nhất tại đây. Những cơn sóng cao tới 9m đã tấn công và tàn phá một khu vực lên tới 700km ở ven biển của hai quần đảo này, khiến ít nhất 5.000 người chết, 3.000 người mất tích và khoảng 10.000 người bị thương. Nó cũng khiến cho hơn 90.000 người ở đây làm vào tình cảnh vô gia cư.
3. Cơn sóng thần ở Chile năm 1960
Thảm họa xảy ra ở Chile vào năm 1960 xếp thứ 3 trong danh sách những cơn sóng thần mạnh nhất Vào ngày 22 tháng 5, trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử với cường độ khoảng 9,5 độ Richter đã xảy ra ở ngoài khơi khu vực trung - nam bờ biển của Chile. Trận động đất đã tạo ra một cơn sóng thần khổng lồ, tấn công một khu vực rộng lớn bao gồm miền nam Chile, Hawaii, Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc, New Zealand, Australia. Ở Chile, những cơn sóng đo được có chiều cao đạt tới 25m trong khi đó ở những khu vực rất xa như Nhật Bản hay Philippines, độ cao sóng đo được vẫn đạt tới 10,7m. Theo ước tính, số người chết do sóng thần nằm trong khoảng từ 490 - 2.290 người.
2. Cơn sóng thần ở Nhật Bản năm 2011
Vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, một trận động đất với cường độ 9,0 độ Richter đã xảy ra ở ngoài khơi bờ biển phía đông bán đảo Osaka Nhật Bản, gây nên thảm họa thiên nhiên đắt đỏ nhất trong lịch sử. Sóng thần xảy ra chỉ sau trận động đất khoảng vài phút, lan dọc theo bờ biển Thái Bình Dương và tấn công ít nhất 20 quốc gia khác bao gồm cả các quốc gia ở châu Mỹ. Chỉ tính riêng ở Nhật Bản, những cơn sóng thần cao tới hơn 38m đã tấn công vào hàng loạt các tỉnh dọc nơi đây, có những nơi sóng đi sâu tới 10km trong đất liền. Theo ước tính, khoảng 16.000 người đã thiệt mạng, hơn 2.500 người bị mất tích và hơn 6.000 người bị thương. Một báo cáo thống kê cho thấy khoảng 125.000 công trình kiến trúc đã bị hư hại hoàn toàn, khoảng 4,4 triệu hộ gia đình ở đông bắc Nhật Bản không có điện và 1,5 triệu hộ không có nước. Theo tính toán của Ngân hàng thế giới, tổng thiệt hại do cơn sóng thần này gây ra có thể lên tới 235 tỷ USD.
1. Cơn sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004
Nếu tính theo số nhanh mạng tử vong, có thể nói cơn sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 là cơn sóng thần dữ dội nhất trong lịch sử thế giới. Bắt nguồn từ trận động đất Sumatra - Andaman mạnh khoảng 9,1 - 9,3 độ Richter xảy ra vào ngày 26 tháng 12 năm 2004 ở ngoài khơi bờ biển phía Tây của đảo Sumatra, những cơn sóng thần chết chóc sau đó đã lan đi khắp Ấn Độ Dương, tấn công vào một loạt các vùng duyên hải của Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan và thậm chí còn kéo dài tới tận các quốc gia châu Phi ở cách đó khoảng 8.500km. Theo ước tính, các cơn sóng với độ cao lên tới 30m đã khiến cho khoảng 230.000 người bị tử vong và mất tích, biến đây trở thành một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất mà nhân loại từng phải đối mặt.
Trên đây là danh sách những cơn sóng thần mạnh nhất trong lịch sử mà chúng tôi muốn chia sẻ. Một trong những nguyên nhân khiến cho trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 trở thành một thảm họa khủng khiếp là bởi lúc bấy giờ nơi đây hoàn toàn không có hệ thống cảnh báo sóng thần để phát hiện và đưa ra cảnh báo cho những người dân sống chung quanh đại dương. Do đó, tốt nhất bạn nên nắm rõ các dấu hiệu nhận biết sóng thần để có thể kịp thời cảnh báo cho mọi người xung quanh nhằm tìm nơi trú ẩn an toàn.