Theo sự phát triển của công nghệ, máy tính ngày càng phổ biến tới tất cả mọi người. Tuy nhiên, đa số mọi người vẫn chưa biết cách bảo quản chúng, trong đó có kiểm tra nhiệt độ CPU dẫn tới việc máy tính nhanh hư hỏng, làm tổn thất thời gian, tiền bạc và công sức.
Mục lục bài viết
CPU là gì?
CPU (Central Processing Unit) là bộ xử lý trung tâm, được xem như não bộ của máy tính. CPU là nơi tính toán, xử lý và điều khiển máy tính thực hiện mọi hoạt động mà con người đưa ra. Hầu hết các CPU hiện đại đều là các vi xử lý và được đặt trên một chip vi mạch. Một CPU dù có hình dáng và kích thước như thế nào cũng đều bao gồm các thành phần sau:
Khối điều khiển (CU - Control Unit): Là thành phần có nhiệm vụ dịch các lệnh của chương trình và điều khiển hoạt động của hệ thống. CU được điều tiết theo xung nhịp đồng hồ hệ thống, nhờ đó mà nó có thể đồng bộ với các thao tác xử lý bên ngoài trong khoảng thời gian không đổi.
Khối tính toán (ALU - Arithmetic Logic Unit): Là thành phần có chức năng thực hiện các phép toán số học, logic sau đó trả lại kết quả cho thanh ghi hoặc bộ nhớ.
Các thanh ghi (Registers): Là các bộ nhớ có dung lượng nhỏ và tốc độ truy cập rất cao, dùng để lưu trữ các phép tính, kết quả, địa chỉ hoặc thông tin điều khiển. Có nhiều thanh ghi và mỗi thanh có một chức năng cụ thể. Trong đó quan trọng nhất là thanh PC (Program Counter - Bộ đếm chương trình) dùng để chỉ đến lệnh thi hành tiếp theo.
Bộ nhớ chứa mã máy của CPU (Opcode): Là một phần của ngôn ngữ máy tính chỉ dẫn xác định các hoạt động được thực hiện. Đây là bộ phận không bắt buộc trong CPU.
Tại sao phải kiểm tra nhiệt độ CPU?
Trong quá trình làm việc, CPU và các linh kiện điện tử khác trong máy tính chuyển hoá điện năng thành nhiệt năng. Lượng nhiệt năng này nếu tích tụ quá nhiều sẽ gây ra tình trạng quá nhiệt. Quá nhiệt có thể khiến cho CPU bị giảm tuổi thọ, máy tính hay bị treo, khởi động lại đột ngột, lâu dài sẽ khiến cho các vi mạch xử lý bên trong bị cháy, dẫn tới hỏng CPU. Quá tải nhiệt cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới lỗi “màn hình xanh”.
Tổng quan về nhiệt độ CPU
Nhiệt độ tối đa các loại CPU có thể chịu đựng thường được các nhà sản xuất ghi rõ trên CPU dưới dạng mã hoá hoặc liệt kê trong bảng thông số được đưa lên trang web của hãng. Con số này là giới hạn nhiệt độ mà CPU vẫn làm việc bình thường, không bị hỏng. Tuy nhiên, để bảo vệ tuổi thọ cho CPU, chúng ta vẫn nên giữ nhiệt độ của nó ở dưới mức này. Các thiết bị dùng để giảm nhiệt độ cho CPU thường là quạt tản nhiệt, keo tản nhiệt hoặc bộ tản nhiệt bằng chất lỏng.
Khi nhắc đến nhiệt độ của CPU, chúng ta cũng cần chú ý đến một số thuật ngữ sau:
Nhiệt độ CPU - CPU Temperature (Tcase): Là nhiệt độ đo từ trung tâm của bề mặt trên của CPU (nơi tiếp xúc với tản nhiệt). Nhiệt độ này được đo bằng một điốt cảm biến đo nhiệt đặt giữa các lõi của CPU. Khi các hãng sản xuất đề cập tới “nhiệt độ CPU”, ta có thể hiểu là họ đang nói tới Tcase. Đây là thông số quan trọng mà hầu hết người dùng máy tính bình thường nên quan tâm tới.
Nhiệt độ lõi - Core Temperature (Tjunction): Là nhiệt độ lõi của CPU, đây là thông số mà những người dùng hay ép xung (can thiệp vào phần cứng máy tính để làm việc nhanh hơn, tốt hơn) cần phải để ý tới. Tjunction Max là nhiệt độ cao nhất mà một CPU có thể chịu được trước khi giảm xung để tránh quá tải nhiệt và hỏng hóc. Do đó, kỹ thuật viên ép xung chuyên nghiệp sẽ cần phải đẩy tốc độ xung nhịp của CPU lên càng cao càng tốt trong khi vẫn giữ được nhiệt độ lõi dưới Tjunction Max.
Không cần phải để ý tới Tjunction nếu bạn không có ý định ép xung.
Nhiệt độ khi nhàn rỗi - Idle Temperature: Là nhiệt độ khi máy tính không chạy bất cứ ứng dụng hay chương trình nào mà chỉ hiển thị màn hình desktop.
Nhiệt độ bình thường - Normal Temperature: Là nhiệt độ khi CPU đang thực hiện các công việc như chơi game, xem và chính sửa video,...
Nhiệt độ tối đa - Max Temperature: Là nhiệt độ cao nhất mà CPU vẫn hoạt động bình thường theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Bình thường, khi nhiệt độ CPU đạt từ 98 - 105 độ C, nó sẽ tự giảm tốc độ hoạt động để giảm nhiệt độ. Nếu vượt quá con số này, máy tính sẽ tự tắt để tránh bị hỏng hóc.
Cách kiểm tra nhiệt độ CPU
Dùng Bios để kiểm tra nhiệt độ CPU
B1: Sau khi nhấn nút nguồn để bật máy tính, nhấn phím Del (hoặc F1, F2 tuỳ theo bo mạch chủ) để truy cập Bios. Nếu máy tính khởi động quá nhanh và không nhìn thấy hướng dẫn phải ấn phím gì để truy cập Bios thì có thể nhấn Pause Break để màn hình tạm dừng.
B2: Sau khi vào được Bios, chọn danh mục Power (hoặc PC health).
B3: Ở bảng thông số mới hiện ra, ta có thể thấy các dòng CPU Temperature, System Temperature (nhiệt độ CPU, nhiệt độ hệ thống).
Tuy nhiên, cách làm này không hiệu quả lắm vì khi truy cập vào Bios, CPU hầu như không hoạt động.
Dùng phần mềm kiểm tra nhiệt độ CPU
Một số hãng sản xuất sẽ cung cấp phầm mềm kiểm tra nhiệt độ CPU trong đĩa CD tiện ích hoặc driver đi kèm, chẳn ghạn như ASUS AI Suite của hãng ASUS. Bạn chỉ cần bỏ đĩa CD vào ổ đĩa, cài đặt và chạy chương trình để kiểm tra nhiệt độ CPU.
Phần mềm ASUS AI Suite thường đi kèm với CPU của hãng.
Nếu hãng máy tính bạn mua không có những phần mềm này đi kèm, bạn có thể sử dụng một số phần mềm kiểm tra nhiệt độ CPU an toàn khác, ví dụ như Everest hay HWMonitor.
Nhiệt độ CPU bao nhiêu là bình thường? Cách hạn chế quá nhiệt cho CPU
Với CPU của Intel, nhiệt độ trung bình khi nhàn rỗi khoảng từ 28 - 41 độ C, nhiệt độ trung bình khi thực hiện tác vụ khoảng từ 47 - 65 độ C, nhiệt độ tối đa khoảng từ 65 - 85 độ C. Các CPU Intel thường toả nhiều nhiệt nên về cơ bản không cần lo lắng nếu đôi khi chúng nhảy lên gần 100 độ C. Tuy nhiên, nếu máy tính của bạn liên tục ở mức này thì cần phải kiểm tra lại.
Với CPU của AMD, nhiệt độ trung bình khi nhàn rỗi khoảng từ 28 - 40 độ C, nhiệt độ trung bình khi thực hiện tác vụ khoảng từ 45 - 60 độ C, nhiệt độ tối đa khoảng từ 61 - 74 độ C.
Để hạn chế quá nhiệt cho CPU, bạn nên chú ý đến những điều sau:
- Bật tính năng cảnh báo quá nhiệt trong Bios và chức năng tự tắt máy khi quá nhiệt.
- Bố trí thùng máy gọn gàng, quạt tản nhiệt tạo ra luồng khí ra vào hợp lý. Nếu mua thùng máy đã lắp đặt sẵn nên nhờ người quen biết về việc lắp đặt hoặc nói với người lắp để ý đến việc tản nhiệt.
- Không nên làm việc trong môi trường nóng nực, bụi bặm. Nếu bất đắc dĩ phải làm việc ở nơi như vậy thì nên vệ sinh thùng máy 3 tháng một lần.
- Nếu muốn cẩn thận, tốt nhất nên thay keo tản nhiệt và vệ sinh máy 6 tháng một lần. Nếu không có điều kiện thì cũng nên cố gắng làm điều này theo chu kỳ 12 tháng một lần.
Trên đây là những điều cần biết về việc kiểm tra nhiệt độ CPU cũng như nhiệt độ bình thường của một chiếc CPU đang hoạt động có thể đạt tới. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, các bạn sẽ có thể chăm sóc cho chiếc máy tính của mình tốt hơn, từ đó kéo dài được tuổi thọ, tránh tiêu tốn thời gian, công sức và tiền bạc của bản thân.
Tìm hiểu thêm: Các cách tản nhiệt laptop đơn giản và hiệu quả.