Ở độ tuổi từ 17 – 25 những chiếc răng khôn mọc thêm ở trong 4 góc hàm thường gây ra cảm giác khó chịu, đau nhức, chán ăn, sốt nhẹ khiến nhiều người chỉ muốn nhổ đi. Vậy khi mọc răng khôn các bạn nên để hay nên nhổ?
Những chiếc răng mọc muộn ở trong 4 phần hàm được gọi là răng khôn vì chúng chỉ mọc ở độ tuổi trưởng thành khi con người đã khôn lớn và biết nhận thức. Tuy nhiên khi mọc răng khôn nhiều người gặp phải tình trạng răng mọc ngầm, mọc kẹt. Những chiếc răng khôn mọc như vậy sẽ gây ra cảm giác đau nhức, khó chịu. Thậm chí còn gây ra những biến chứng nguy hiểm như: u nang, nang bệnh lý trong xương hàm, làm yếu răng hàm nên cần phải nhổ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên cũng có những trường hợp không nên nhổ răng khôn đi mà nên để lại. Vậy khi nào thì nên nhổ răng khôn và khi nào thì nên để?
Những trường hợp mọc răng khôn nên nhổ:
- Những chiếc răng khôn mọc lên gây ra hiện tượng sưng đau và lặp đi lặp lại nhiều lần.
- Những chiếc răng khôn mọc lên có khe dắt thức ăn với răng bên cạnh nên được nhổ đi để tránh được những biến chứng về sau.
- Những chiếc răng khôn mọc ra nhưng không có răng đối diện cần được nhổ đi. Nếu để lâu, răng khôn sẽ mọc dài ra và tạo ra bậc thang với răng bên cạnh gây nhồi nhét thức ăn, lở loét nướu và hàm đối diện.
- Những chiếc răng khôn có hình dạng bất thường cần được nhổ đi vì để lâu ngày sẽ dễ bị sâu và làm cho các răng bên cạnh dễ bị viêm nha chu răng.
- Bản thân răng khôn có bệnh nha chu hoặc sâu răng lan rộng.
- Nếu muốn chỉnh hình hoặc làm răng giả thì các bạn cũng nên xác định nhổ chiếc răng khôn của mình đi càng sớm càng tốt.
Với những chiếc răng khôn cần phải nhổ đi, các bạn nên chọn thời điểm răng khôn mới mọc được 2/3 và nên nhổ khi ở độ tưởi từ 18 – 25. Nếu để lâu xương hàm sẽ cứng và đặc hơn nên muốn nhổ răng khôn sẽ rất khó. Bên cạnh đó quá trình làm lành, hậu phẫu cũng sẽ phức tạp, kéo dài và không được thuận lợi.
Những trường hợp mọc răng khôn nên để lại:
- Những chiếc răng khôn mọc thẳng, bình thường, không kẹt, không biến chứng thì có thể giữ lại.
- Những người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn đông cầm máu,… thì không nên nhổ răng khôn vì có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
- Răng khôn liên quan trực tiếp đến một số các cấu trúc giải phẫu quan trọng như xoang hàm, dây thần kinh… mà không thể sử dụng các phương pháp phẫu thuật chuyên biệt để thực hiện.