Năm 2006, Hiệp hội thiên văn quốc tế (IAU) đã đưa ra quy ước mới để xác định một hành tinh thuộc Hệ Mặt Trời. Theo đó, Hệ Mặt Trời chỉ còn lại 8 hành tinh thay vì 9 như trước kia.
Mục lục bài viết
Hành tinh là gì? Thế nào là một hành tinh thuộc Hệ Mặt Trời?
Trước đây, hành tinh được định nghĩa là một thiên thể có khối lượng không đủ lớn để tạo ra phản ứng nhiệt hạch của chính nó đồng thời có thể chuyển dộng có quỹ đạo quanh một sao, hệ sao hay tàn dư sao hoặc di chuyển tự do trong không gian. Tuy nhiên, thiên văn học hiện đại đã quy ước lại định nghĩa về hành tinh. Cụ thể:
Hành tinh là một thiên thể chuyển động có quỹ đạo xung quanh một ngôi sao, hệ sao hay tàn dư sao (thường gọi là sao chủ hoặc sao mẹ), có đủ khối lượng để lực hấp dẫn của chính nó thắng được độ rắn của vật chất và tạo thành trạng thái cân bằng thuỷ tĩnh đồng thời khối lượng này không quá lớn để phản ứng nhiệt hạch xảy ra. Hiểu một cách đơn giản hơn, một hành tinh là một thiên thể có hình cầu hay gần hình cầu (trạng thái cân bằng thuỷ tĩnh) xoay quanh một ngôi sao, hệ sao hay tàn dư sao và có khối lượng không quá lớn để phản ứng nhiệt hạch xảy ra khiến hành tinh đó nóng lên và phát sáng như một ngôi sao.
Ngoài ra, theo quy ước của IAU, một hành tinh thuộc Hệ Mặt Trời phải thoả mãn 3 điều kiện sau:
- Chuyển động có quỹ đạo quanh sao chủ là Mặt Trời.
- Có khối lượng đủ lớn để lực hấp dẫn thắng được độ rắn của vật chất và tạo nên trạng thái cân bằng thuỷ tĩnh (có hình cầu hay đúng hơn là gần hình cầu).
- Chiếm ưu thế tuyệt đối về khối lượng trong quỹ đạo của mình (các thiên thể khác nằm trong cùng quỹ đạo có khối lượng không đáng kể, trừ vệ tinh của chính nó).
Như vậy theo quy ước trên, Hệ Mặt Trời sẽ gồm 8 hành tinh theo thứ tự là: Sao Thuỷ, Sao Kim, Trái Đất, Sao Hoả, Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương, Sao Hải Vương. Trước khi quy ước này được đưa ra, mọi người công nhận thêm một hành tinh thứ 9 thuộc Hệ Mặt Trời là Sao Diêm Vương. Tuy nhiên, hiện nay Sao Diêm Vương đã bị “giáng cấp” và trở thành một hành tinh lùn. Để biết vì sao Sao Diêm Vương bị loại ra khỏi các hành tinh thuộc Hệ Mặt Trời, các bạn có thể tìm hiểu Tại Đây.
Các hành tinh trong Hệ Mặt Trời được chia thành 2 nhóm:
- Hành tinh nhóm trong bao gồm Sao Thuỷ, Sao Kim, Trái Đất và Sao Hoả. Đây là các hành tinh đá có thành phần cấu tạo chính là đất đá và các vật chất rắn.
- Hành tinh nhóm ngoài bao gồm Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương, Sao Hải Vương. Đây là các hành tinh khí, có thành phần cấu tạo chính không phải đất đá và các vật chất rắn. Chúng có khối lượng lớn hơn rất nhiều lần so với các hành tinh nhóm trong.
Ngoài ra, vào năm 2016 các nhà thiên văn học đã tính toán và xác nhận sự tồn tại về mặt lý thuyết của hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt Trời. Tuy nhiên, công nghệ kỹ thuật hiện nay vẫn chưa cho phép loài người quan sát trực tiếp hành tinh này.
Kích thước và khối lượng của các hành tinh, hành tinh nào lớn nhất trong Hệ Mặt Trời?
Sao Thuỷ: Đường kính 4.878 km, khối lượng 3,3 x 10^23 kg.
Sao Kim: Đường kính 12.104 km, khối lượng 4,87 x 10^24 kg.
Trái Đất: Đường kính 12.756 km, khối lượng 5,98 x 10^24 kg.
Bạn nên tìm hiểu thêm: Những điều ít người biết về Trái Đất - Hành tinh của chúng ta
Sao Hoả: Đường kính 6.787 km, khối lượng 6,42 x 10^23 kg.
Sao Mộc: Đường kính 142.796 km, khối lượng 1,9 x 10^27 kg.
Sao Thổ: Đường kính 120.660 km, khối lượng 5,69 x 10^23 kg.
Sao Thiên Vương: Đường kính 51.118 km, khối lượng 8,68 x 10^25 kg.
Sao Hải Vương: Đường kính 48.600 km, khối lượng 1,02 x 10^26 kg.
Như vậy các thông số trên đã trả lời cho câu hỏi hành tinh nào lớn nhất trong Hệ Mặt Trời, đó chính là Sao Mộc. Hành tinh này nắm giữ kỷ lục cả về kích thước lẫn khối lượng. Đồng thời, nó có đường kính lớn hơn gấp 10 lần, khối lượng lớn hơn gấp 318 lần và thể tích lớn hơn gấp 1.321 lần thể tích Trái Đất của chúng ta. Lớn như vậy nhưng bán kính sao Mộc chỉ lớn bằng 0,1 lần bán kính Mặt Trời và khối lượng cũng chỉ bằng 0,001 lần.
Trên đây là những thông tin về kích thước, khối lượng của các hành tinh trong Hệ Mặt Trời mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng thông qua bài viết này, các bạn đã có thêm những kiến thức thú vị và hữu ích để hiểu hơn về Hệ Mặt Trời của chúng ta.