Buôn bán người là một vấn nạn xảy ra trên toàn thế giới. Theo ước tính, hơn 152 quốc gia có nạn nhân bị mua bán nội tạng, làm nô lệ, bị bóc lột,….Tại Việt Nam, nạn buôn bán người xảy ra nhiều nhất ở vùng biên giới và miền núi phía Bắc. Được xem là loại tội phạm nguy hiểm, pháp luật Việt Nam và Quốc tế cũng đã đưa ra những định nghĩa, khái niệm về tội phạm buôn bán người.
Mục lục bài viết
Khái niệm tội phạm buôn bán người theo pháp luật Việt Nam
Theo điều 150 của Bộ luật hình sự năm 2015 thì những hành vi dưới đây sẽ được xếp vào tội buôn bán người: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc dùng các thủ đoạn khác để chuyển giao hoặc tiếp nhận chuyển giao người nhằm nhận tiền hoặc các tài sản có giá trị, lợi ích vật chất khác; Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc các hành vi vô nhân đạo khác; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác thực hiện các hành vi trên. Nạn nhân của hành vi buôn bán người phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Theo đó, các hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận chuyển giao, tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp buôn bán người được hiểu là:
- Chuyển giao: Hành vi giao người (nạn nhân) cho người khác.
- Tiếp nhận chuyển giao: Hành vi nhận từ người khác, nơi khác chuyển đến.
- Tuyển mộ: Hành vi lựa chọn những người phù hợp để sử dụng cho mục đích mua bán người.
- Vận chuyển: Hành vi vận chuyển người từ nơi này đến nơi khác.
- Chứa chấp: Hành vi chứa người trái phép cho mục đích buôn bán.
Khái niệm tội phạm buôn bán người theo Liên Hợp Quốc
Theo Điều 3, Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm buôn bán người của Liên Hợp Quốc thì hành vi buôn bán người được hiểu như sau:
a) "Buôn bán người" là hành vi mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hay bằng các hình thức ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa gạt, lạm dụng quyền lực, vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc đưa, nhận tiền, lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người đang kiểm soát những người khác. Hành vi bóc lột bao gồm: bóc lột mại dâm người khác hay những hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay phục vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc lấy các bộ phận cơ thể;
b) Sự chấp thuận của một nạn nhân của việc buôn bán người đối với sự bóc lột có chủ ý được nêu ra trong khoản (a) là không thích đáng nếu bất kỳ cách thức nào nêu trong khoản (a) đã được sử dụng.
c) Việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay nhận một đứa trẻ nhằm mục đích bóc lột sẽ bị coi là "buôn bán người" ngay cả khi việc này được thực hiện không cần dùng đến bất kỳ cách thức nào được nói đến trong khoản (a) điều này;
d) Bất kỳ người nào dưới 18 tuổi cũng được xem là “trẻ em”.
Trên đây là khái niệm về tội phạm buôn bán người theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Quốc tế mà VnNews24h muốn chia sẻ với bạn đọc. Hi vọng rằng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về loại tội phạm nguy hiểm này.