Ô nhiễm môi trường là nguyên nhân gây ra các loại dịch bệnh, ung thư, bệnh hô hấp, da liễu,….Tuy nhiên, các nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, không chỉ ở riêng Việt Nam mà còn ở tất cả các quốc gia khác trên thế giới. Vậy hiện trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Hãy cùng VnNews24h điểm qua các số liệu về thực trạng môi trường ở nước ta.
Hiện nay, bên cạnh các tín hiệu phát triển đáng mừng về kinh tế thì thực trạng ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất ở Việt Nam lại trở thành một vấn đề khiến Chính phủ phải đau đầu.
Mục lục bài viết
Thực trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam
Vài tháng trở lại đây, ô nhiễm không khí đã trở thành một vấn đề gây sốt khi Hà Nội và TP.HCM xuất hiện trong top đầu các thành phố có không khí ô nhiễm nhất thế giới, được xếp hạng bởi AirVisual. Ở một số ứng dụng khác, chẳng hạn như PamAir thì tình hình ô nhiễm cũng không được dự báo khả quan hơn mấy. Thậm chí, Chính phủ đã phải ra thông báo cho người dân hạn chế ra đường để giảm thiểu ảnh hưởng do ô nhiễm.
- So với nhiều năm trước, các khu công nghiệp, nhà máy phần lớn đều đã được trang bị hệ thống xử lý khí thải. Tuy nhiên, thực tế thì còn rất nhiều ngành công nghiệp, chẳng hạn như: khai thác than, nhiệt điện hay các làng nghề chưa xử lý triệt để lượng khí thải phát sinh.
- Phương tiện giao thông được xem là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Mỗi năm, số lượng xe máy, ô tô ở nước ta tăng từ 8% - 18%. Điều đó đồng nghĩa với mức khí thải xả ra môi trường tăng từ 4 - 5 lần/năm.
Thực trạng ô nhiễm nước ở Việt Nam
Nước sạch là một nguồn tài nguyên có hạn. Trong khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh kết hợp với những thiếu sót trong cơ chế quản lý, xử lý nước thải đã khiến ô nhiễm và khan hiếm nước sạch đạt mức báo động. Cụ thể như:
- Cũng trong vài tháng trở lại đây, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc phải liên tiếp đối mặt với tình hình thiếu thốn nước sạch trầm trọng và nguồn nước bốc mùi hôi thối bởi vụ việc một nhà máy sản xuất xả dầu thải không được xử lý trực tiếp xuống sông Đà. Theo đánh giá, nước được cấp ra từ nhà máy nước sông Đà chứa hàm lượng styren cao gấp 1,3 - 3,65 lần mức cho phép.
- Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, nước ta hiện có 43 nhà máy xử lý nước thải tập trung đang hoạt động. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 13% lượng nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý. Số còn lại đều xả trực tiếp ra môi trường. Tình hình xả nước thải sinh hoạt, chăn nuôi ở nông thôn thậm chí còn đáng báo động hơn khi hầu như người dân đều có thói quen xả nước thải trực tiếp xuống sông, hồ mà không hề qua xử lý.
- Tại các khu công nghiệp và làng nghề, lượng nước thải mỗi ngày lên đến 400.000 - 500.000 m3/ngày đêm. Ở Bắc Ninh, con số này thậm chí lên đến hàng nghìn. Mặc dù vậy nhưng chỉ khoảng 5% doanh nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại, 14% sử dụng công nghệ thấp và số còn lại là ở mức trung bình.
- Hầu hết nước thải từ các ngành: dệt may, sản xuất giấy,…đều có các chỉ số ô nhiễm vượt mức tiêu chuẩn. Chẳng hạn như: Chỉ số COD (nhu cầu oxy hóa học) đạt 2.500 mg/1; Chỉ số BOD (nhu cầu sinh hóa) lên đến 700 mg/1; Hàm lượng nước thải chứa xyanua vượt 84 lần; H2S vượt 4,2 lần;….
Thực trạng ô nhiễm đất ở Việt Nam
Không chỉ môi trường không khí và nước ô nhiễm làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống người dân mà đất ô nhiễm cũng có khả năng gây ra không ít hậu quả nặng nề. Chẳng hạn như: Gây hại đến sức khỏe người nông dân; Gây mất mùa; Làm chết sinh vật trong lòng đất;….Thực trạng ô nhiễm đất ở nước ta hiện nay như sau:
- Hàm lượng kim loại, bụi than tồn trữ là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm đất. Tại các khu công nghiệp, cụ thể như Phước Long - Bình Phước, hàm lượng kim loại độc hại (Cr, As, CD,…) đều cao gấp 1,5 - 15 lần bình thường.
- Cả nước hiện có hơn 600 bãi chôn lấp rác thải nhưng chỉ tầm 120 bãi lấp đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Chỉ tính riêng tại Hà Nội đã có đến 85% bãi chôn lấp không đảm bảo vệ sinh. Các bãi xử lý rác thải ở thành phố lớn là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước lẫn không khí.
- Trong năm qua, lượng rác thải nhựa ở nước ta tăng đến 200%, đạt mức 1,8 triệu tấn nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế. Rác thải nhựa, nilon nói chung là một mối đe dọa vô cùng nghiêm trọng đối với môi trường đất.
Trên đây là hiện trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam mà VnNews24h muốn chia sẻ với bạn đọc. Hi vọng rằng qua bài viết này, các bạn đã hiểu rõ hơn về tình hình môi trường ở nước ta hiện nay và từ đó, sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như thay đổi những thói quen không tốt trong sinh hoạt để góp phần bảo vệ môi trường sống.