Nếu như khi phạm phải các tội: giết người, cướp của, gây thương tích,...người gây lỗi phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật thì khi phạm phải các lỗi: lái xe vượt đèn đỏ, đánh nhau gây mất trật tự,....người gây ra hành vi có thể bị xử phạt hành chính. Xử phạt hành chính là các hình thức xử phạt cho đối tượng không phải là tội phạm theo quy định của pháp luật. Các hình thức xử phạt hành chính có thể là: cảnh cáo, tước quyền giấy phép, tước chứng chỉ hành nghề,....Tuy nhiên không phải ai khi vi phạm hành chính cũng phải chịu trách nhiệm. Nếu một người gây ra hành vi vi phạm hành chính khi chưa đủ tuổi theo quy định sẽ được miễn trừ hoặc áp dụng các biện pháp xử phạt phù hợp. Vậy độ tuổi tối thiểu chịu trách nhiệm hành chính là bao nhiêu?
Mục lục bài viết
Độ tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm hành chính là bao nhiêu?
► Ngày 20 tháng 06 năm 2012, Quốc hội nước ta đã ban hành Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13. Trong bộ luật này, độ tuổi phải chịu trách nhiệm khi gây ra các hành vi vi phạm hành chính được quy định rõ ràng tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5. Cụ thể, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính do các hành vi cố tình vi phạm; người từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi hành vi vi phạm.
► Ngoài ra, tại Điều 90, 92, Luật xử lý vi phạm hành chính có nêu rõ: Người đủ từ 12 đến dưới 14 tuổi khi thực hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý sẽ bị xử phạt bằng cách áp dụng các biện pháp giáo dục tại nơi cư trú; Người đủ từ 12 đến dưới 14 tuổi khi thực hiện hành vi vi phạm của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý sẽ bị đưa vào trường giáo dưỡng.
Như vậy theo Luật xử lý vi phạm hành chính của nước ta, độ tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm hành chính là 12 tuổi (bị xử phạt khi hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng). Người từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm cho mọi hành vi vi phạm.
Những trường hợp nào không bị xử phạt hành chính?
Không phải hành vi gây lỗi nào cũng bị xử lý hành chính. Ngoài những trường hợp người gây ra lỗi chưa đủ độ tuổi tối thiểu để chịu trách nhiệm hành chính thì còn một số trường hợp sau sẽ không bị xử phạt:
► Trường hợp trong tình thế cấp thiết, các cá nhân, tổ chức không còn cách nào khác phải thực hiện hành vi vi phạm. Hành vi vi phạm trong tình thế cấp thiết phải đảm bảo gây ra thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại có thể xảy ra, đe dọa đến lợi ích thực tế của bản thân, người khác và các cơ quan, tổ chức Nhà nước.
► Trường hợp phòng vệ chính đáng, buộc phải thực hiện hành vi vi phạm để chống trả người đang có hành vi xâm hại đến quyền và lợi ích chung của bản thân, người khác và của các tổ chức, cơ quan nhà nước. Hành vi phòng vệ phải tương đương với hành vi xâm hại.
► Trường hợp do sự kiện bất ngờ, các cá nhân, tổ chức tạo ra nó không thấy được hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả mà sự kiện đó có thể gây ra.
► Trường hợp bất khả kháng, các cá nhân, tổ chức không thể lường trước được hậu quả và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp trong khả năng cho phép.
► Trường hợp những người thực hiện hành vi gây lỗi không đủ khả năng để chịu trách nhiệm hành chính: người bị bệnh tâm thần hoặc một số bệnh khác liên quan đến nhận thức.
Trên đây là thông tin về độ tuổi chịu trách nhiệm hành chính và các trường hợp vi phạm có thể không bị xử phạt mà VnNews24h muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hi vọng sau khi tham khảo bài viết, các bạn đã biết độ tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm hành chính là bao nhiêu? Trong những trường hợp nào, các cá nhân, tổ chức có thể thực hiện hành vi gây lỗi mà không bị xử phạt để từ đó ngăn ngừa được những thiệt hại, đe dọa đến quyền và lợi ích chung của Nhà nước, của bản thân cũng như mọi người xung quanh.