Theo sự phát triển và hội nhập của nền kinh tế thế giới cùng với việc các cuộc xung đột vũ trang ở nhiều nước dần dần leo thang, sự phân hóa giàu nghèo giữa các quốc gia đang ngày càng rõ rệt. Những nước giàu có ngày một giàu hơn trong khi các quốc gia nghèo khổ thì ngày một kiệt quệ. Vậy, 10 đất nước nghèo nhất trên thế giới hiện nay gồm các quốc gia nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây
Hiện nay, có khá nhiều tiêu chí khác nhau để đánh giá, so sánh về mức độ giàu nghèo của các quốc gia. Mỗi tiêu chí sẽ được dùng để nói lên một ý nghĩa riêng và các quốc gia sẽ lấy chúng làm tiêu chí để đánh giá sao cho có lợi cho mình nhất. Do đó, các tiêu chí này thường không có được sự nhất quán và cân bằng. Vì vậy, trong bài viết này có sử dụng tiêu chí tổng sản phẩm nội địa (GDP) được quy đổi theo sức mua tương đương (PPP) rồi chia cho bình quân đầu người. Đây được xem là tiêu chí cân bằng nhất, thể hiện khá rõ khả năng ảnh hưởng, mức độ tham gia của người dân ở một quốc gia tới nền kinh tế thế giới. Tiêu chí này thường được các tổ chức lớn và uy tín sử dụng như Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, Ngân hàng Thế giới Wb hay Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ CIA. Các số liệu có trong danh sách được lấy từ thống kê, ước lượng của IMF.
Mục lục bài viết
- Giải thích một số thuật ngữ
- Top 10 quốc gia nghèo nhất trên thế giới
- 10. Madagascar: 1.554,079 đô la quốc tế
- 9. Nam Sudan: 1.503,380 đô la quốc tế
- 8. Eritrea: 1.433,949 đô la quốc tế
- 7. Mozambique: 1.265,680 đôla quốc tế
- 6. Malawi: 1.172,127 đô la quốc tế
- 5. Niger: 1.152,691 đô la quốc tế
- 4. Liberia: 867,102 đô la quốc tế
- 3. Burundi: 808,285 đô la quốc tế
- 2. Cộng hòa dân chủ Congo: 784,595 đô la quốc tế
- 1. Cộng hòa Trung Phi: 681,224 đô la quốc tế
Giải thích một số thuật ngữ
► Tổng sản phẩm quốc nội (GDP): Tổng sản phẩm quốc nội hay tổng sản phẩm nội địa là tất cả các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được làm ra trong một khoảng thời gian nhất định (ở đây là 1 năm) tại một khu vực nhất định (ở đây là 1 quốc gia).
► Sức mua tương đương (PPP): Sức mua tương đương là tỷ lệ thể hiện mức độ chênh lệch giữa hai đơn vị tiền tệ khác nhau và thường được dùng để quy đổi từ đồng tiền này sang đồng tiền kia. Cụ thể trong bài viết sẽ sử dụng chỉ số sức mua tương đương giữa đơn vị tiền tệ của quốc gia đang xét đến với đồng đô la quốc tế. Chỉ số này được xác định bằng cách sử dụng tiền từ hai đơn vị tiền tệ trên để mua cùng một lượng hàng hóa giống hệt nhau (ở đây là một chiếc bánh Big Mac từ cửa hàng McDonald) rồi tính tỷ lệ giữa hai số tiền đó.
► Đồng đô la quốc tế: Là đơn vị tiền tệ ảo thường được các tổ chức kinh tế sử dụng như một đồng tiền chung khi so sánh về nền kinh tế giữa hai hay nhiều quốc gia khác nhau. Một đô la quốc tế được xác định giá trị tương đương với một đô la Mỹ sau khi đã quy đổi theo sức mua tương đương. Hay nói cho dễ hiểu hơn thì một đô la quốc tế chính là một đô la Mỹ ở thời điểm đang xét đến.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu tiêu chí để so sánh, đánh giá, xếp hạng 10 quốc gia nghèo khổ nhất thế giới như sau: Lấy tổng giá trị của tất cả các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được làm ra trong một năm tại quốc gia đang xét đến quy đổi thành đồng đô la quốc tế theo tỷ lệ sức mua tương đương rồi chia cho dân số trung bình của quốc gia đó tại thời điểm so sánh.
Ngoài ra, những quốc gia được xét đến trong bài sẽ là quốc gia độc lập thực sự, được luật pháp quốc tế công nhận. Do đó, một số quốc gia chưa được công nhận, vùng lãnh thổ hay khu tự trị đặc biệt sẽ không được liệt kê trong danh sách.
Top 10 quốc gia nghèo nhất trên thế giới
10. Madagascar: 1.554,079 đô la quốc tế
Là một quốc đảo nhỏ bé nằm ngoài khơi Ấn Độ Dương, Madagascar thuộc vào phía đông nam của Châu Phi và hiện là một trong những đất nước kém phát triển nhất trên thế giới. Với lợi thế về khoáng sản và thời tiết, nền kinh tế nước này vẫn còn tập trung chủ yếu vào 2 ngành nghề chính là nông nghiệp và khoáng sản. Bên cạnh đó, Madagascar còn có môi trường tự nhiên thú vị, độc đáo và hầu như chưa bị ảnh hưởng bởi bàn tay con người. Tuy nhiên, sự khủng hoảng nghiêm trọng về chính trị kéo dài nhiều năm đã làm suy kiệt nền kinh tế của quốc gia này. Theo ước tính, GDP trong năm 2017 của Madagascar sẽ là 39,805 tỷ đô la quốc tế. Bên cạnh đó, cũng theo thống kê thì hiện nay khoảng 90% dân số của nước này đang phải sống với mức sống dưới 2 USD/ngày.
9. Nam Sudan: 1.503,380 đô la quốc tế
Chỉ vừa mới được công nhận vào năm 2011 sau khi tách ra từ Cộng hòa Sudan, Nam Sudan hiện là quốc gia trẻ nhất ở châu Phi cũng như trên thế giới. Cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác, nền kinh tế của Nam Sudan vẫn còn phải phụ thuộc rất nhiều vào ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, nước này cũng sở hữu nhiều mỏ dầu và tài nguyên có giá trị tuy nhiên hầu hết những nguồn tài nguyên này đều nằm trong các khu vực xung đột nên việc khai thác vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, những cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm đã khiến cho kinh tế của Nam Sudan trở nên kiệt quệ.
8. Eritrea: 1.433,949 đô la quốc tế
Là một đất nước còn khá trẻ (vừa được công nhận chính thức vào năm 1993), Eritrea hiện đang xếp thứ 8 trong top 10 quốc gia nghèo nhất thế giới. Đất nước nằm ở Đông Phi này cũng giống như hầu hết các quốc gia khác trong danh sách vẫn còn tập trung chủ yếu vào nông nghiệp với 80% nhân lực lao động đang làm việc trong ngành này. Số lượng lao động nhiều nhưng công nghệ còn thô sơ cộng với những khó khăn về quản lý khiến cho thu nhập không cao. Tổng giá trị các sản phẩm trong ngành nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 17% Tổng thu nhập quốc gia, công nghiệp chiếm khoảng 23% và dịch vụ chiếm khoảng 60%.
7. Mozambique: 1.265,680 đôla quốc tế
Nằm ở phía đông nam Châu Phi, Cộng hòa Mozambique hiện đang nằm trong top những quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới. Sự thiếu ổn định về chính trị cộng với những cuộc nội chiến kéo dài là nguyên nhân chính khiến cho nền kinh tế của quốc gia này bị kiệt quệ. Hiện nay, mặc dù chính phủ Mozambique đã và đang thực hiện các cải cách mới tuy nhiên đây vẫn là một quốc gia nông nghiệp với 81% lực lượng lao động đang làm việc trong ngành này.
6. Malawi: 1.172,127 đô la quốc tế
Nằm ở khu vực Trung Phi và không có đường bờ biển, Cộng hòa Malawi gặp rất nhiều khó khăn trong việc ổn định và phát triển. Nền kinh tế của nước này vẫn còn phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp với khoảng 33% thị phần GDP cả nước mỗi năm đến từ ngành này. Ngoài ra, Malawi còn nằm trong danh sách những quốc gia không lý tưởng cho việc đầu tư bởi chi phí dịch vụ cao, cơ sở hạ tầng thiếu thốn,....Đây cũng là một trong những quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới với 85% dân số sống ở vùng nông thôn.
5. Niger: 1.152,691 đô la quốc tế
Nằm ở khu vực Tây Phi là Niger, quốc gia xếp thứ 5 trong danh sách 10 đất nước nghèo khổ nhất thế giới. Với những khó khăn chồng chất như: 80% diện tích lãnh thổ là sa mạc Sahara, nền giáo dục chưa hoàn thiện, không giáp biển, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, môi trường xuống cấp trầm trọng,..., Niger hiện cũng là một trong những đất nước kém phát triển nhất trên thế giới. Hiện nay, phần lớn ngân sách của chính phủ Niger vẫn còn đến từ trồng trọt, chăn nuôi, xuất khẩu nguồn nguyên liệu đặc biệt uranium và các nguồn tài trợ từ nước ngoài. Mặc dù vậy, hạn hán, sa mạc hóa hay nhu cầu uranium trên thế giới giảm đi lại đang gây cho chính phủ nước này nhiều khó khăn.
4. Liberia: 867,102 đô la quốc tế
Khá trái ngược với những quốc gia kém phát triển khác, Liberia - một quốc gia nằm ở Tây Phi, lại có nguồn tài nguyên thiên nhiên khá phong phú, điều kiện khí hậu tốt cùng với nguồn nước sung túc, có đường biển dài,....Tuy nhiên, Liberia vẫn thường xuyên góp mặt trong danh sách các quốc gia nghèo và kém phát triển trên thế giới bởi sự yếu kém trong khâu quản lý cũng như các cuộc nội chiến kéo dài thường xuyên xảy ra phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng. Quốc gia này vẫn lấy nông nghiệp làm chủ đạo với 75% nhân lực đang làm việc và đóng góp tới một nửa GDP cả nước. Trong khi đó, công nghiệp và dịch vụ chỉ đạt tương ứng 15% và 35%.
3. Burundi: 808,285 đô la quốc tế
Không có đường bờ biển, nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên, hệ thống giáo dục, pháp luật chưa hoàn thiện những như khâu quản lý yếu kém là những nguyên nhân chính khiến cho Burundi thường có mặt trong bảng xếp hạng các nước nghèo nhất thế giới. Quốc gia nhỏ bé nằm ở Đông Phi này vẫn còn lấy nông nghiệp làm ngành kinh tế chính với 90% nhân lực lao động làm việc và chỉ đóng góp khoảng 1/3 GDP cả nước. Thu nhập chủ yếu của chính phủ đến từ xuất khẩu chè và cà phê nhưng đây lại là hai sản phẩm phụ thuộc khá nhiều vào tình hình thế giới.
2. Cộng hòa dân chủ Congo: 784,595 đô la quốc tế
Cộng hòa dân chủ Congo hiện là nước lớn thứ 2 ở Châu Phi đồng thời cũng là quốc gia nghèo thứ 2 của châu lục này cũng như trên toàn thế giới. Có nguồn tài nguyên thiên nhiên khá phong phú tuy nhiên những cuộc nội chiến liên tiếp đã làm cho nền kinh tế nước này bị đình trệ trong khoảng thời gian khá dài. Mặc dù nền kinh tế đã có dấu hiệu ổn định và phát triển từ năm 2010 nhưng việc thiếu hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, lạm phát và tham nhũng tràn lan lại trở thành những trở ngại mới đối với quốc gia ở Trung Phi này.
1. Cộng hòa Trung Phi: 681,224 đô la quốc tế
Nằm ở khu vực trung tâm của Châu Phi, Cộng hòa Trung Phi hiện đang là quốc gia nghèo nhất thế giới nếu xét theo chỉ tiêu tổng thu nhập quốc dân chia cho bình quân đầu người. Không có đường biển, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, hệ thống giáo dục thấp, chưa hoàn thiện, thiếu quản lý trong việc phát triển kinh tế vĩ mô,... là những khó khăn vô cùng to lớn mà cả chính phủ và người dân Cộng hòa Trung Phi phải đối mặt. Hiện nay, quốc gia này vẫn là một đất nước lấy nông nghiệp làm chủ đạo với hơn 1/2 GDP cả năm đến từ ngành này. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là kim cương và gỗ cùng với một số kim loại khác trong khi hầu hết các mặt hàng nhập khẩu đều là nhu yếu phẩm tiêu dùng. Ngoài ra, hàng năm Cộng hòa Trung Phi vẫn phải nhận viện trợ từ quốc tế những cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước.
Trên đây là bảng xếp hạng các quốc gia nghèo nhất trên thế giới hiện nay dựa theo tiêu chí tổng thu nhập quốc dân chia cho bình quân đầu người mà VnNews24h muốn chia sẻ đến bạn đọc. Từ bài viết trên, có thể thấy Châu Phi hiện vẫn đang là châu lục nghèo nhất trên thế giới khi mà cả 10 quốc gia trong bài viết đều nằm ở đây. Bên cạnh đó, cũng theo thống kê của IMF thì tổng thu nhập quốc dân chia cho bình quân đầu người ở nước ta là 6.876,100 đô la quốc tế, nghĩa là vẫn còn gấp gần 4 lần so với Madagascar.
Bạn nên tìm hiểu: Danh sách 10 quốc gia giàu có nhất trên thế giới hiện nay