Hiện nay, tình hình tai nạn giao thông đường bộ ở nước ta vẫn đang diễn ra hết sức phổ biến và nghiêm trọng. Do đó, các bạn nên nắm vững những cách sơ cứu, trong đó có sơ cứu cho người bị tai nạn giao thông để có thể đối phó với bất kì tình huống xấu nào có thể xảy ra.
Mục lục bài viết
Tai nạn giao thông là gì?
Về cơ bản, tai nạn giao thông là sự việc xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của người điều khiển giao thông khi đang tham gia giao thông. Tai nạn giao thông xảy ra do vi phạm các quy tắc về an toàn giao thông hoặc do những tình huống, sự cố đột ngột xảy ra ngoài ý muốn, gây nên thiệt hại về người và của. Tai nạn giao thông gồm các đặc tính sau:
- Được thực hiện bằng các hành vi cụ thể.
- Gây ra những thiệt hại nhất định về người và của.
- Chủ thể thực hiện hành vi trong vụ tai nạn giao thông phải là người đang tham gia giao thông.
- Chỉ có thể là lỗi vô ý hoặc không có lỗi, không thể là lỗi do cố ý (nếu cố ý gây tai nạn giao thông chỉ có thể xem như có ý định tự sát hoặc cố tình gây thương tích hay phá hoại tài sản của người khác).
Hiện nay, tai nạn giao thông đường bộ là loại phổ biến nhất, làm nhiều người chết và bị thương nhất trên thế giới. Trung bình mỗi năm có khoảng 10 triệu người chết vì tai nạn giao thông đường bộ. Đây cũng là loại tai nạn phổ biến nhất ở Việt Nam.
Tai nạn giao thông đường bộ đầu tiên xảy ra vào năm 1896 khi chiếc ô tô chạy thử đầu tiên ở Anh cán chết 2 người. 3 năm sau, ở Mỹ mới lại xuất hiện người chết do ô tô. Kể từ đó, theo sự phổ biến của các phương tiện giao thông có tốc độ cao, số vụ tai nạn giao thông cũng như số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông cũng ngày một nhiều.
Tình hình thực trạng tai nạn giao thông đường bộ ở nước ta hiện nay
Theo thống kê từ Uỷ ban an toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, trong tháng 6/2017, cả nước đã xảy ra khoảng 1.500 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 600 người và gần 1.400 người bị thương. Từ đó, tính từ ngày 16/12/2016 đến ngày 15/6/2017 đã có gần 9.600 vụ tai nạn giao thông khiến hơn 4.000 người tử vong và gần 8.000 người khác bị thương trên địa bàn cả nước. Mặc dù so sánh với 6 tháng đầu năm ngoái, tai nạn giao thông đã giảm gần 600 vụ, số người chết giảm 200 người, bị thương giảm gần 1.000 người. Tuy nhiên, tỉ lệ giữa số người chết với số người bị thương và số vụ tai nạn vẫn còn là rất lớn. Điều đó cho thấy tình hình giao thông nguy hiểm ở nước ta hiện nay.
Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ
Cơ sở hạ tầng
Những điều kiện của tuyến đường như độ bằng phẳng, độ nhám, tầm nhìn và độ chiếu sáng, sự bố trí các biển báo hiệu,... là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tai nạn giao thông đường bộ. Một phần các vụ tai nạn giao thông xảy ra do tầm nhìn không đủ, mặt đường có ổ gà, ô voi,...Việc cơ sở hạ tầng yếu kém gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông được thể hiện rõ ràng ở việc mỗi năm số vụ tai nạn ở các nước nghèo và đang phát triển lại tăng thêm 10%.
Ổ gà, ổ voi là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn ở nước ta.
Phương tiện tham gia giao thông
Việc số lượng các phương tiện giao thông gia tăng chóng mặt ngoài sự kiểm soát cũng là một trong các nguyên nhân khiến số vụ tai nạn giao thông gia tăng. Cùng với đó, việc những chiếc xe được sản xuất đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn được bán với giá quá cao trong khi những chiếc xe cũ, xe tự chế không đảm bảo có giá thành quá rẻ cũng khiến cho các vụ tai nạn giao thông xảy ra nhiều và nghiêm trọng hơn.
Ý thức của người tham gia giao thông
Những lỗi như chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi không đúng làn đường, sử dụng rượu bia và các chất kích thích trước khi tham gia giao thông,... là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tai nạn ở Việt Nam. Có thể thấy điều này qua tỉ lệ nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông ở Việt Nam năm 2016:
- Đi không đúng làn đường, phần đường quy định: 25%.
- Chạy quá tốc độ: 9%.
- Chuyển hướng không đúng quy định: 9%.
- Vượt sai quy định: 6%.
- Sử dụng rượu bia: 3,4%.
- Không chấp hành tín hiệu giao thông: 11%.
- Nguyên nhân khác: 36,6%.
Từ thống kê trên có thể thấy, hơn 60% số vụ tai nạn giao thông là do sự thiếu ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Việc không chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông đường bộ sẽ dễ dẫn tới các vụ tai nạn thảm khốc và để lại những hậu quả vô cùng đáng tiếc.
Thời tiết xấu
Các vụ động đất, sóng thần, mưa bão,... cũng là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, nguyên nhân này thường xảy ra ở nước ngoài, ít khi gặp ở Việt Nam.
Sơ cấp cứu cho người bị tai nạn giao thông đường bộ
Việc sơ cấp cứu tại chỗ cho người bị tai nạn giao thông có thể góp phần nâng cao cơ hội sống sót, thậm chí cứu sống người bị nạn. Tuy nhiên, nếu sơ cứu sai cách sẽ tăng thêm nguy hiểm, thậm chí khiến người bị thương tử vong. Do đó, nên chú ý đến những trường hợp cụ thể để sơ cứu:
1. Bỏng
Nếu phương tiện giao thông bốc cháy, việc đầu tiên cần làm là quan sát hiện trường để đưa nạn nhân ra và tránh gây tổn thương cho mình. Loại bỏ nguyên nhân gây bỏng bằng cách tách nạn nhân ra khỏi vật gây cháy như quần áo, giày, dép,.... đồng thời kiểm tra những khu vực bị bỏng trên cơ thể.
Lưu ý nguyên tắc khi chữa bỏng là làm mát vùng da bị tổn thương càng nhanh càng tốt. Do đó có thể ngâm vùng bị bỏng vào nước sạch, mát hoặc đắp khăn mát từ 15 - 20 phút. Không dùng đá hoặc nước quá lạnh để chườm vì chênh lệch nhiệt độ quá lớn và đột ngột sẽ khiến vùng da tiếp xúc bị hoại tử. Khi thực hiện sơ cứu cần phải nhẹ nhàng, tránh gây đau, gây vỡ các nốt bỏng vì có thể dẫn đến nhiễm trùng. Không nên bôi bất cứ loại thuốc gì chưa qua kiểm tra của bác sĩ lên vùng bị tổn thương. Nếu nạn nhân bị bỏng mắt, giữ cho nạn nhân không dụi mắt và không cần thiết phải cố gắng lấy dị vật ra vì có thể tăng mức độ tổn thương. Nếu nạn nhân còn tỉnh, cho uống bù nước để bổ sung lượng nước và giảm nhiệt độ cơ thể. Nếu thời tiết lạnh cần giữ ấm cho nạn nhân và đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Ngâm khu vực bị bỏng vào nước lạnh 15 - 20 phút.
2. Vết thương chảy máu
Vết thương chảy máu xuất hiện do va đập, vật sắc nhọn đâm vào da, xương gãy đâm ra ngoài gây rách da, ... Đây là chấn thương thường gặp nhất khi bị tai nạn giao thông. Vết thương chảy máu hoàn toàn có thể quan sát được từ bên ngoài. Khi bị mất máu vừa phải, nạn nhân có thể cảm thấy lạnh run, vã mồ hôi, da xanh tái. Nếu lượng máu mất đi quá nhiều sẽ dẫn đến choáng váng, bất tỉnh và tử vong. Do đó, khi gặp những vết thương bị chảy máu, cần phải sơ cứu tại chỗ trước để hạn chế thương tổn và mất máu. Trường hợp hiện trường không an toàn mới cần phải ưu tiên di chuyển nạn nhân. Có thể sơ cứu đối với vết thương chảy máu như sau:
- Nếu vết thương có dị vât, không nên rút ra vì có thể khiến cho máu chảy nhiều hơn. Thay vào đó, bạn cần phải dùng tay ép chặt mép vết thương rồi chèn băng, gặc quanh dị vật để cố định, lưu ý không băng trùm lên dị vật sau đó chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.
- Nếu vết thương chảy máu do dập nát hay đứt chi, cần làm garo cầm máu bằng cách quấn thật chặt ở vị trí trên miệng vết thương 3 - 5 cm. Garo có thể là một đoạn dây cao su hoặc dây vải xoắn chặt vào đoạn chi để làm ngưng lưu thông máu hoàn toàn từ phía trên xuống dưới. Xoắn garo từ từ cho đến khi máu ngừng chảy rồi chuyển ngay nạn nhân về cơ sở y tế. Lưu ý cần phải ủ ấm cho cơ thể người bị nạn đồng thời để nạn nhân nằm ở tư thế đầu thấp hơn chân nhằm làm giảm lượng máu chảy đến vết thương, cách 15 phút phải nới lỏng garo một lần để tránh phần dưới bị hoại tử hoàn toàn dẫn tới cắt bỏ. Lúc nới garo cần lưu ý đến vẻ mặt nạn nhân cũng như vị trí vết thương, nếu mặt nạn nhân biến sắc hoặc máu tiếp tục phun ra từ miệng vết thương thì phải buộc lại ngay. Nên di chuyển bệnh nhân ở tư thế nằm, cố gắng không dùng xe máy để đưa nạn nhân đi.
Dùng garo để cầm máu ở những vết thương nghiêm trọng.
- Nếu vết thương không có dị vật, cần phải dùng gạc hoặc vải sạch ép trực tiếp lên vết thương và giữ chặt rồi băng lại. Cho nạn nhân nằm ở tư thế đầu thấp hơn chân đồng thời giữ ấm cơ thể. Lưu ý thường xuyên kiểm tra bộ phận bị tổn thương để nới băng nếu cần thiết. Dùng băng khác băng chồng lên nếu máu vẫn tiếp tục thấm ra ngoài.
3. Gãy xương
Dấu hiện điển hình của gãy xương là đau vùng gãy, đau hơn khi sờ ấn hoặc cử động, đôi khi không thể cử động chỗ bị thương kèm theo sưng to, chảy máu. Một số trường hợp có thể bị bầm da hoặc rách da, có thể thấy đầu xương lòi ra ngoài qua chỗ rách.
Nếu thấy nạn nhân bị các dấu hiệu trên, việc đầu tiên cần phải làm là cố định chỗ bị gãy, tránh dịch chuyển xương vì xương có thể sẽ làm tổn thương các bộ phận mềm như mạch máu, cơ, dây thần kinh,... Dùng các loại nẹp tự chế từ gỗ, tre để cố định. Cố định cả khớp lân cận nếu gãy xương ở gần khớp. Nếu xương gãy đâm rách da và lòi ra ngoài, không được rửa mà chỉ lau xung quanh vết thương, bôi thuốc sát trùng và băng ép vô khuẩn. Tuyệt đối không ấn đầu xương gãy vào trong. Chở nạn nhân đến bệnh viện sau khi đã sơ cứu xong. Nạn nhân gãy chi có thể dùng xe máy để chở. Tuy nhiên nếu gãy xương cột sống hay xương đùi cần phải vận chuyển bằng cáng nằm.
Cố định chỗ bị gãy bằng nẹp gỗ, tre.
4. Chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não bao gồm vỡ sọ, vết thương xuyên thấu, dập não, xuất huyết trong hoặc phù não, co giật. Đây là những tổn thương rất nghiêm trọng. Do đó, nếu quan sát thấy đầu của nạn nhân bị va đập, không nên tự mình di chuyển nạn nhân mà tốt nhất hãy nhờ thêm hai đến ba người khác cùng đưa nạn nhân ra. Đặt người bị nạn ở nơi thoáng khí, đầu thấp hơn chân 20 cm nếu không thấy chảy máu ở vùng đầu hoặc cổ. Ủ ấm cho bệnh nhân và không cho uống bất kỳ loại nước nào nếu hôn mê vì có thể bị sặc. Nếu phát hiện thấy người bị nạn ngừng thở, tim ngừng đập thì cần ưu tiên hô hấp nhân tạo kết hợp xoa bóp lồng ngực.
Bạn có thể tìm hiểu cách hô hấp nhân tạo kết hợp xoa bóp lồng ngực Tại Đây.
Sau khi sơ cấp cứu xong cần phải gọi xe cấp cứu ngay hoặc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất nếu có điều kiện. Trong lúc di chuyển, cố định phần đầu và cổ bằng cách chèn vải, quần áo, chăn gối ở đầu, cổ và thân. Nếu nghi ngờ nạn nhân bị tổn thương cột sống, phải cẩn trọng trong quá trình khiêng cáng ra khỏi hiện trường.
5. Co giật
Nếu nạn nhân bị co giât, đặt nằm trên vùng an toàn, thông thoáng. Nâng cao đầu và nới rộng quần áo đặc biệt là ở cổ để tạo điều kiện cho người bị nạn dễ thở. Nếu bị nôn ói, cần xoay người nạn nhân về một phía để tránh chất nôn vào phổi. Sau đó gọi cứu thương ngay lập tức.
6. Bong gân, trật khớp
Dấu hiệu của bong gân và trật khớp là đau, khó cử động vùng bị tổn thương, sưng phù, bầm tím hoặc biến dạng. Rất khó để phân biệt bong gân, trật khớp với gãy xương. Do đó dù trong trường hợp nào, nếu phát hiện thấy nạn nhân có các dấu hiệu trên cũng cần hạn chế cử động vùng bị tổn thương, tìm cách cố định chi và khớp lại sau đó chuyển ngay đến bệnh viện để kiểm tra kỹ càng.
Trên đây là những điều cần biết về sơ cấp cứu đối với người bị tai nạn giao thông mà chúng tôi muốn chia sẻ đến các bạn. Hy vọng sau khi đọc bài viết này, các bạn đã có được kiến thức để có thể xử lý nếu gặp phải những tình huống trên.