Từ bao thế kỷ nay, lời nguyền Pharaon vẫn là một trong những bí ẩn to lớn nhất của nhân loại. Nó như một tấm màn đen ẩn giấu đằng sau đó những bí ẩn của kim tự tháp Ai Cập.
Những câu chuyện về lời nguyền của Pharaon
Lời nguyền của Pharaon ra đời vào ngày 17/2/1929, khi đoàn thám hiểm của John Carter khám phá ra hầm mộ của vị vua trẻ nhất Ai Cập cổ đại Tutankhamun trong trạng thái gần như còn nguyên vẹn, gồm cả xác ướp của nhà vua lẫn kho báu được chôn cùng. Phát hiện này được xem là một chấn động trong giới khảo cổ cũng như cả thế giới lúc bấy giờ. Nhưng, kể từ ngày hầm mộ của vị vua trẻ được mở ra, những cái chết thần bí cũng bắt đầu, dẫn đến sự ra đời và lan truyền của “Lời nguyền Pharaon”.
Tutankhamun là một Pharaon thuộc vương triều thứ 18 của Ai Cập. Ông lên ngôi năm 10 tuổi và trị vì trong giai đoạn 1333 - 1323 trước Công Nguyên, trong giai đoạn Tân Vương quốc của lịch sử Ai Cập. Tutankhamun là con trai của Akhenaten (thường được biết đến dưới cái tên Amenhotep IV) với một trong những người em gái hoặc em họ của ông ta. Không có bất cứ ghi chép nào còn tồn tại đến ngày nay về những ngày cuối đời của Tutankhamun. Điều gì gây ra cái chết của Tutankhamun đã là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận. Nhiều nghiên cứu khoa học đã được tiến hành để nhằm tìm ra nguyên nhân gây ra cái chết của ông. Có một số bằng chứng cho thấy ông đã chết vì bệnh sốt rét và được chôn cất một cách vội vã.
Cho đến nay, những lời nguyền trong lăng mộ của vị vua trẻ tuổi này vẫn thường xuyên được đưa ra mổ xẻ, giải mã: “Kẻ nào dám quấy rối giấc ngủ của Pharaon, thần chết sẽ sà xuống đầu kẻ ấy” và: “Bất cứ kẻ nào vào mộ với tâm hồn đen tối, ta sẽ bóp cổ hắn như bóp một con chim”. Sau đó, những sự việc bất thường diễn ra với các thành viên trong đoàn khảo cổ đều khiến người ta liên tưởng ngay đến những dòng chữ đáng sợ này.
Trước tiên phải kể đến là sự ra đi của George Herbert, huân tước thứ năm của Carnarvon, nhà tài trợ chính cho cuộc thám hiểm. Đặc biệt là cái chết của ông lại vô cùng bất thường, qua đời vì muỗi cắn. Người ta còn bàng hoàng hơn khi tiến hành kiểm tra mộ xác ướp Tutankhamun và phát hiện, vết muỗi cắn trên mặt ông có vị trí tương tự với vết thương trên mặt của vị Pharaon. Chưa hết, vào ngày ngài huân tước mất, cả thành phố Cairo, Ai Cập bỗng nhiên mất điện. Trong lúc ấy ở thành phố London, con chó của ông cũng tru lên nhiều tiếng rồi tắt thở. Sau đấy, người trợ lý của ngài huân tước cũng ra đi bí ẩn. Bố anh ta thì nhảy lầu tự vẫn. Ngay cả George Gould – bạn tốt của Carnarvon, người cũng từng vào trong hầm mộ của Pharaon trẻ tuổi cũng đột nhiên sốt cao rồi qua đời. Và Reid – nhà khoa học Anh, người đã tiến hành kiểm tra để tìm ra nguyên nhân cái chết của vị vua trẻ cũng bất ngờ ra đi khi vừa quay về London và bắt đầu công việc phân tích, thu thập dữ liệu,… Những sự việc lạ lùng còn diễn ra trong suốt vài năm sau đó đã khiến cho một số người mê tín cho rằng: “Đó là lời nguyền của Pharaon”.
Giải mã bí ẩn lời nguyền của Phraon
Vài năm gần đây, các nhà khoa học đã tìm ra một số manh mối để giải mã lời nguyền. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một điều, trước chuyến hành trình đến Ai Cập, ngài huân tước đã mắc một chứng bệnh mãn tính. Căn bệnh này ngày càng phá huỷ hệ miễn dịch trong cơ thể ông. ennifer Wegner – một nhà Ai Cập học thuộc Bảo tàng ĐH Pennsylvania ở Philadelphia thì cho rằng, ngoài xác chết, trong hầm mộ của Pharaon Ai Cập còn có cả các loại thực phẩm, gồm thịt, rau và hoa quả. Những thứ ấy chắc hẳn đã thu hút đám côn trùng, vi khuẩn, mốc và những gì tương tự. Chúng hiện diện trong hầm mộ bị đóng kín suốt hàng ngàn năm và trở thành thứ mầm bệnh độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy, một số xác ướp cổ đại có hiện tượng bị mốc. Aspergillus niger và Aspergillus flavus là những loại nấm mốc nguy hiểm được phát hiện. Chúng là “kẻ thù số một” với những người có hệ miễn dịch kém. Thậm chí, Aspergillus niger và Aspergillus flavus còn có thể gây phản ứng dị ứng nhiều cấp độ, từ sung huyết đến chảy máu phổi. Ngoài ra, phân của những con dơi trong các hầm mộ đã khai quật cũng chứa những loại nấm độc hại. Chúng có thể là nguyên nhân gây bệnh về đường hô hấp như cúm, hoặc gây chết người trong trường hợp nghiêm trọng.
Dù có nhiều giả thuyết, lý giải thì có thể thấy một điều, Howard Carter - người chủ chốt khám phá lăng mộ của Pharaon Tutankhamun vẫn sống bình yên. Ông mất vì bệnh ung thư 17 năm sau khi “trúng phải lời nguyền”, một cái chết hoàn toàn tự nhiên. Đồng thời khi còn sống, bản thân Carter cũng không tin vào lời nguyền này. Ông nhấn mạnh, về cơ bản, truyền thống tôn giáo của người Ai Cập không cho phép sự tồn tại của lời nguyền như vậy, trái lại, họ hy vọng chúng ta sẽ dành cho người đã khuất những lời cầu chúc tốt đẹp…