Hiện nay, trên thế giới đã có rất nhiều tổ chức lớn được thành lập, nhằm liên kết, tăng cường hợp tác về kinh tế, văn hóa, chính trị,...giữa các quốc gia trên cơ sở cùng có lợi, chẳng hạn như: Liên minh EU; ASEAN; WTO;....Và với riêng Việt Nam, có một tổ chức đã mang lại vô số lợi ích, giá trị to lớn, đó chính là APEC. Vậy APEC là tên viết tắt của tổ chức nào?
Mục lục bài viết
APEC là tên của tổ chức nào?
APEC là viết tắt của cụm từ "Asia-Pacific Economic Cooperation" - "Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương", được thành lập vào tháng 11 năm 1989. Ban đầu, tổ chức chỉ bao gồm 12 nước tham gia và sau 4 lần mở rộng thành viên, con số này đã lên đến 21. Thành viên tham gia APEC là các nước thuộc khu vực châu Á và bờ Thái Bình Dương. Với mục tiêu xây dựng một khu vực kinh tế tự do, năng động, từ lúc thành lập cho đến nay, tổ chức này đã mang lại vô số lợi ích cho nền kinh tế thế giới nói chung và các nước trong khu vực nói riêng. Chẳng hạn như: Giảm chi phí giao dịch; Gia tăng trao đổi hàng hóa; Tăng cường vốn đầu tư;….
Cơ cấu hoạt động của APEC
APEC hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận và không ép buộc với cơ cấu bao gồm 02 bộ phận chính là: Cấp chính sách và Cấp làm việc. Trong đó, mỗi một bộ phận đều có sự tham gia của các nước thành viên và quyền hạn cao nhất được chia đều.
1. Cấp chính sách
- Hội nghị không chính thức các nhà Lãnh đạo APEC (AELM): Đây là hội nghị diễn ra thường niên, bao gồm sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ của các nước thành viên. Mục đích của AELM là để các nhà lãnh đạo gặp gỡ, trao đổi về những vấn đề kinh tế.
- Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC: Hội nghị được tổ chức mỗi năm một lần và luân phiên đăng cai giữa các nước. Thành phần tham gia gồm có các Bộ trưởng Kinh tế và Ngoại giao, nhằm xác định các nguyên tắc, mục tiêu hoạt động trong năm tới, trình dự thảo, ý kiến lên AELM.
2. Cấp làm việc
- Hội nghị các Quan chức Cao cấp (SOM): Mục tiêu của SOM là đưa ra các kiến nghị, mục tiêu trình Hội nghị Bộ trưởng và xem xét chương trình công tác, điều phối ngân sách của các Ủy ban, Nhóm đặc trách dưới quyền.
- Ủy ban Thương mại và Đầu tư: Có nhiệm vụ chính là thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên.
- Ủy ban Kinh tế: Có vai trò là cầu nối để thúc đẩy đối thoại giữa các thành viên trong APEC và nghiên cứu về vấn đề kinh tế trong khu vực.
- Ủy ban Ngân sách và Quản lý: Có chức năng đầu tư, quản lý về vấn đề ngân quỹ cho các hoạt động của tổ chức.
- Các Nhóm công tác: Đến nay, APEC đã thành lập 11 Nhóm công tác để phục trách về các vấn đề chuyên trách. Bao gồm: Hợp tác Kỹ thuật Nông nghiệp; Du lịch; Năng lượng; Phát triển Nguồn nhân lực; Doanh nghiệp vừa và nhỏ; Thông tin và Viễn thông; Nghề cá; Khoa học và công nghệ; Bảo vệ tài nguyên biển; Vận tải; Xúc tiến thương mại.
- Các Nhóm đặc trách của SOM: Ngoài các Nhóm công tác, Hội nghị Quan chức cao cấp còn lập ra 03 Nhóm đặc trách để xác định và đưa ra các khuyến nghị đối với những vấn đề quan trọng của APEC. Bao gồm: Nhóm chống khủng bố; Nhóm đặc trách về Mạng; Nhóm Thương mại Điện tử.
- Một Ban thư ký bao gồm: Giám đốc điều hành; Phó giám đốc điều hành; 20 Giám đốc chương trình do các nền kinh tế thành viên tiến cử; 25 nhân viên chuyên nghiệp và các nhân viên phục vụ. Nhiệm vụ của Ban thư ký là giúp việc cho các lãnh đạo, chẳng hạn như: Điều hành ngân sách; Tư vấn, hỗ trợ; Quản lý thông tin; Phối hợp hoạt động;….
Trên đây là một số thông tin về Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương mà VnNews24h muốn chia sẻ với bạn đọc. Hi vọng rằng qua bài viết này, các bạn đã biết APEC là tên viết tắt của tổ chức nào, có cơ cấu ra sao và hiểu rõ hơn về tổ chức kinh tế này.