Một phần những ca ngộ độc trên thế giới đến từ việc ăn phải những loại thực phẩm mà bản thân nó đã có chứa chất độc. Vì vậy, việc biết được loại thực phẩm nào có sẵn chất độc cũng là một trong những cách hiệu quả để tránh bị ngộ độc thực phẩm cho mình và người thân.
1. Đậu tằm
Đậu tằm sống có chứa các alkaloid vicine, isouramil và covicine là các loại enzyme khuyết thiếu, có thể gây ra thiếu máu tán huyết đối với những người bị thiếu chất diêu tố G6PD trong hồng huyết cầu. Các triệu chứng có thể xảy ra gồm thiếu máu, vàng da, gan to, nôn mửa,... Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân thiếu máu nặng sẽ dẫn đến tử vong.
2. Cá nóc
Cá nóc được coi là động vật có xương sống độc thứ hai trên thế giới, chỉ sau ếch độc phi tiêu vàng. Trong da, xương, buồng trứng, ruột và đặc biệt là gan của loài cá này chứa các loại độc tố có thành phần chủ yếu là tetrodotoxins. Đây là một loại chất độc thuộc nhóm độc tố thần kinh mạnh, có khả năng khiến cho hệ thống thần kinh trung ương bị suy giảm chức năng, gây tê liệt và cuối cùng là tử vong. 1g tetrodotoxins có thể khiến cho 500 người mất mạng. Đặc biệt, tetrodotoxins có tính bền nhiệt, không bị phân huỷ khi nấu chín và hoàn toàn chưa có thuốc giải cho loại chất độc này.
3. Khoai lang có đốm đen
Khoai lang để lâu trong môi trường không đảm bảo sẽ bị lốm đốm đen hoặc thối rữa, mốc,... Đây là những dấu hiệu cho thấy khoai đã bị nhiễm khuẩn vằn đen. Bệnh khuẩn vằn đen tiết ra những độc tố cực độc đối với gan. Khi hấp thụ, chúng sẽ gây ra các biểu hiện khó thở, buồn nôn, tiêu chảy,... nặng hơn có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra loại độc tố này cũng không bị phân huỷ kể cả khi nấu chín.
4. Cà chua xanh
Trong cà chua xanh có chứa các chất alkaloid, cụ thể là solanine, một chất độc gây rối loạn tiêu hoá và thần kinh. Nó gây ra các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, đau rút dạ dày, đau đầu và chóng mặt. Ở hàm lượng lớn, solanine còn có thể gây tử vong. Khi chín, hàm lượng solanine có trong cà chua sẽ giảm dần và biến mất. Do đó chỉ nên ăn những quả cà chua đã chín đỏ, không nên sử dụng cà chua xanh để ăn hay chế biến các món ăn.
5. Khoai tây mọc mầm
Củ khoai tây đã mọc mầm hoặc khi tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời sẽ có vỏ màu xanh và chứa một lượng lớn solanine. Theo nghiên cứu, nếu như gọt bỏ mầm và các phần màu xanh sẽ loại bỏ được 75 - 90% hàm lượng chất độc này. Mặc dù vậy, lượng độc tố còn lại vẫn đủ khả năng gây trúng độc nhẹ, giống như cảm giác trúng gió.
6. Củ sắn (khoai mì)
Trong lá và củ sắn có chứa một lượng hydrogen xyanide (HCN) đáng kể. Các giống sắn ngọt chứa 20 - 30 mg/kg củ tươi, các giống sắn đắng chứa 60 - 150 mg/kg củ tươi. Trong khi đó, 20 mg HCN sẽ gây ngộ độc cho một người lớn bình thường và cứ 50 mg HCN cho mỗi 50 kg thể trọng sẽ gây chết người. Do đó trước khi ăn, sắn cần phải được lột vỏ, cắt đầu và đuôi vì đấy là những bộ phận chứa nhiều chất độc nhất. Sau đó ngâm củ sắn trong nước qua đêm, luộc với nhiều nước và mở nồi khi luộc để chất độc tan ra và bay hơi theo nước. Tuyệt đối không ăn đọt sắn, sắn cao sản, sắn lâu năm hoặc sắn có vị đắng vì đây là những loại có chứa rất nhiều chất độc.
7. Quả cây cơm cháy
Là một loại quả khá phổ biến ở châu Âu, quả cây cơm cháy có tính kháng sinh, kháng khuẩn và kháng viêm. Loại quả này cũng chứa nhiều chất xơ, canxi, sắt, kali và các loại vitamin A, B6, C. Tuy nhiên quả cây cơm cháy chỉ tốt khi đã chín. Khi ăn quả chưa chín sẽ bị ngộ độc nhẹ. Ngoài ra, tất cả các bộ phận màu xanh của cây đều chứa xyanogenic glycosides, khi vào cơ thể, chất này sẽ bị phân huỷ và giải phóng hydrogen xyanide khiến cơ thể bị ngộ độc.
8. Sứa
Mặc dù đa số các loài sứa đều không có khả năng gây độc, tuy nhiên một số loài sứa lại chứa chất độc có khả năng gây chết người. Cụ thể như độc tố của loài sứa hộp có khả năng tấn công tim và hệ thần kinh, khiến tim ngừng đập chỉ trong vòng vài phút. Do đó, cần xem xét kỹ lưỡng nếu có ý định chế biến các món ăn có liên quan đến sứa.
9. Mật cá trắm
Trong mật cá trắm có chứa một hợp chất alcol steroids gọi là 5 a cyprinol, chất này có khả năng gây ra suy gan và suy thận. Người ăn phải mật cá trắm sẽ bị đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn khoảng 1 - 2 giờ sau khi ăn. Để sau 1 ngày sẽ đái ít dần rồi vô niệu, phù hai chân, tăng huyết áp và thậm chí có thể gây ra tử vong nếu không đi lọc máu kịp thời.
10. Ớt
Capsaicin là chất tạo ra vị cay của ớt. Ở hàm lượng ít, chất này có tác dụng khiến cho ớt có vị cay nóng. Tuy nhiên nếu ở dạng tinh khiết, nó có khả năng giết chết bất cứ ai nuốt phải. Capsaicin ở liều lượng lớn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến ruột, bao tử, hệ hô hấp và da. Nếu hấp thụ ít nhưng lâu dài sẽ làm cho hệ thần kinh chết dần, mất cảm giác về mùi vị.