Quai bị là một trong những căn bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại dẫn đến nhiều biến chứng đáng lo ngại, đặc biệt là bệnh vô sinh. Vậy đâu là nguyên nhân, triệu chứng của bệnh quai bị và làm cách nào để phòng ngừa cũng chữa trị bệnh này?
Bệnh quai bị còn được gọi là bệnh má chàm bàm thường xảy ra ở trẻ nhỏ từ 5 đến 8 tuổi và lứa tuổi vị thành niên. Người lớn cũng có thể mắc bệnh nhưng tỉ lệ rất thấp. Nguyên nhân gây ra bệnh quai bị là do một loại vi rút tên là Paramyxovirus gây ra.
Triệu chứng của bệnh quai bị: Khi nhiễm virut quai bị, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu, ăn kém, sốt, đau họng đặc biệt là đau ở một bên góc hàm. Một thời gian sau khoảng từ 3 - 4 ngày, cơn đau này biến thành một cục sưng lớn, bệnh nhân cảm thấy đau đớn mỗi khi nuốt nước bọt.
Con đường lây nhiễm của quai bị: Bệnh quai bị thường có thể lan rộng ra thành dịch vì khá dễ lây nhiễm. Các virut có thể xâm nhập cơ thể người bệnh bằng đường hô hấp, ăn uống, hít phải bụi nước bọt có chứa virus của người đang bị nhiễm bệnh.
Biến chứng bệnh quai bị: Mặc dù quai bị chỉ là một trong những bệnh dịch nhẹ không có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của con người như các bệnh dịch sốt rét, ebola, sốt xuất huyết,… tuy nhiên biến chứng của bệnh này lại vô cùng nguy hiểm. Người mắc quai bị có thể bị viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn, nhồi máu phổi, viêm tụy, viêm buồng trứng, viêm não, sẩy thai, sinh con dị dạng, vô sinh, viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm thần kinh thị giác, rối loạn chức năng gan.
Làm gì khi mắc bệnh quai bị: Khi mắc quai bị, bệnh nhân có thể tự khỏi trong vòng 7 - 10 ngày. Tuy nhiên trong thời gian đó để hạn chế tối đa những biến chứng có thể xảy ra, người bệnh cần vệ sinh răng miệng, ăn những thực phẩm dễ tiêu hoá, giảm đau tại chỗ bằng cách đắp ấm vùng sưng, giảm đau toàn thân và hạ sốt bằng paracetamol. Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh quai bị tốt nhất, có thể tiêm từ khi trẻ 9 tháng tuổi. Không nên ra gió, không nên vận động mạnh và không nên tiếp xúc quá nhiều với nước trong thời gian bị bệnh.