Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang bước vào quá trình phát triển tốc độ cao, kéo theo đó là sự phát triển quy mô sản xuất, quy mô doanh nghiệp và yêu cầu về trình độ cũng tăng theo.
Thầy Trần Anh Tuấn - Phó Giám Đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông
tin thị trường lao động TP.HCM
Đang trên đà phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam luôn là điểm sáng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan, và đặc biệt là Nhật Bản. Là bộ phận trực tiếp tham gia vào các quy trình sản xuất vì thế mà việc phát triển nguồn nhân lực cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Viện Khoa học Lao động và xã hội, tỉ lệ thất nghiệp của cả nước tính đến hết tháng 6 – 2014 ở khoảng 1,84%, nằm trong top những nước có tỉ lệ thất nghiệp thấp trên thế giới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Việt Nam đang có tình trạng việc làm ổn định cho người dân. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới ( World Bank), thì nước ta đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kĩ thuật bậc cao và chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với các nước khác. Trong khi tồn tại một nghịch lý đó là cử nhân, thạc sĩ ra trường không có việc làm vẫn còn ở mức báo động. Từ con số 72.000 người không có việc làm tăng lên đến 162.000 người trong đầu năm nay, trong đó, nhóm người không có chuyên môn kỹ thuật chiếm gần 60% tổng số lao động thất nghiệp, nhóm có bằng đại học và trên đại học chiếm gần 17%. Như vậy, mặc dù so với thế giới Việt Nam thuộc diện có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhưng đối với tình hình lao động việc làm trong nước thì tỉ lệ thất nghiệp này vẫn là rất cao. Trong khi đó, các dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam là trên 16.300 dự án, với tổng số vốn đầu tư thực tế khoảng 238 tỷ USD. Trước tình hình này, Thầy Trần Anh Tuấn - Phó Giám Đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM đã có chia sẻ về tình hình thị trường lao động cũng như một số ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao ở nước ta:
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, Việt Nam sẽ tiếp tục có các cơ hội và gặp nhiều thách thức đối với sự phát triển thị trường lao động. Hiện nay và trong những năm tới, thị trường lao động (về nhu cầu việc làm) tiếp tục phát triển theo chiều hướng đổi mới công nghệ, nâng cao quản lý; phát triển quy mô sản xuất kinh doanh, quy mô doanh nghiệp tạo nhiều chỗ làm mới thu hút lao động với nhiều ngành nghề đa dạng, đặc biệt nhu cầu việc làm chất lượng cao.
Các nhóm ngành nghề sau sẽ càng ngày càng phát triển và đòi hỏi nhiều lao động kỹ thuật cao: Công nghệ - Kỹ thuật (chiếm 35% nhu cầu nhân lực); Kinh tế - Tài chính – Ngân hàng – Pháp luật – Hành chính (chiếm 30% nhưng tỷ lệ cạnh tranh nhóm ngành này cực kỳ cao do lượng sinh viên học rất nhiều); Kiến trúc – Xây dựng – Môi trường – Cấp thoát nước; nhóm ngành xã hội như Tâm lý học, Xã hội học, Quản trị du lịch – Khách sạn; nhóm ngành Sư phạm (Sư phạm giáo dục, Quản lý giáo dục); nhóm ngành Chăm sóc sức khỏe như Bác sĩ, Y tá, Điều dưỡng, Dược; nhóm ngành Công nghệ cao trong nông nghiệp; nhóm ngành Văn hóa – Nghệ thuật – Thể dục thể thao.
Trong những nhóm ngành đó, có những ngành rất cần nhu cầu nhân lực nên chú ý như Kỹ sư công nghệ nông nghiệp (Bác sĩ thú y, Kỹ sư nông lâm nghiệp – Thủy sản, Công nghệ sinh học), Du lịch (Quản trị nhà hàng khách sạn, Lữ hành), Luật (Luật thương mại, Luật quốc tế), Cơ điện tử (Lập trình, Công nghiệp ôtô), Môi trường…