Khi thực hiện chủ trương xóa bỏ công chức, viên chức đối với giáo viên thì hiệu trưởng các trường sẽ nắm trong tay quyền tuyển dụng cũng như sa thải nhân sự.
Chủ trương xóa bỏ công chức, viên chức được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nhằm đổi mới và cải thiện chất lượng giảng dạy. Những giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ sẽ được đào thải và thay thế bằng những nhân lực có chất lượng giảng dạy tốt.
Việc thực hiện xóa bỏ công chức, viên chức khiến nhiều giáo viên vốn không lo mất việc, vẫn được hưởng lương hàng tháng mặc dù chất lượng giảng dạy không đạt yêu cầu phản đối. Chủ trương này cũng chấm dứt tình trạng giáo viên” sáng lái ô tô đi, chiều lái ô tô về”. Bên cạnh đó, thay vì nguồn nhân sự được Sở giáo dục tuyển chọn và phân công về các trường thì khi thực hiện chủ trương xóa bỏ công chức, viên chức quyền tuyển dụng cũng như sa thải giáo viên sẽ hoàn toàn nằm trong tay hiệu trưởng. Nếu một hiệu trưởng giỏi, làm việc công tâm thì sẽ giúp cho trường tuyển dụng được những giáo viên giỏi còn nếu hiệu trưởng làm việc không tốt và lạm quyền sẽ làm phát sinh ra những vấn đề tiêu cực.
Nhằm hạn chế vấn đề đó, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng cần thiết phải có chế tài quy định việc "phế truất" Hiệu trưởng nếu họ vi phạm, hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội khuyến học Việt Nam cũng cho rằng, khi xóa bỏ công chức, viên chức thì hiệu trưởng, hiệu phó cũng chỉ là người làm công ăn lương và thực hiện chế độ hợp đồng giống như giáo viên. “Nhà nước sẽ ký hợp đồng với người có năng lực làm hiệu trưởng trong vòng một thời gian nhất định. Nếu hiệu trưởng đó đáp ứng được yêu cầu, Nhà nước sẽ ký hợp đồng tiếp còn không đạt yêu cầu thì dừng. Như vậy, hiệu trưởng nào cũng phải phấn đấu quản lý tốt, không lạm quyền để bị chấm dứt hợp đồng”, ông Dong nhấn mạnh.