Siêu tăng T-14 Armata hiện đang là thế hệ xe tăng chủ lực thứ tư của lục quân Nga, đồng thời cũng được đánh giá là loại xe tăng tối tân nhất hiện nay của nước này và trên thế giới.
Một số thông tin chưa được kiểm chứng trên truyền thông Nga gần đây cho biết xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ tư T-14 Armata hiện đại nhất của Nga có thể được trang bị khẩu pháo mới cỡ nòng lớn hơn, có khả năng bắn đạn hạt nhân. Theo đó, tập đoàn Uralvagonzavod (UVZ) có thể trang bị pháo 2A83 cỡ nòng 152 mm mới cho biến thể mới nhất của dòng T-14. Đây là loại pháo tăng mạnh nhất thế giới ở thời điểm 2015. Theo tính toán, pháo 2A83 tạo ra động năng đạn mạnh tới 20 - 25 MJ, cao hơn 55 - 90% so với động năng 12,7 MJ của pháo 120 mm L/55 của Đức (loại pháo tăng mạnh nhất của NATO). Đạn xuyên giáp APFSDS cỡ 152mm có sơ tốc đạn là 1.980 m/s, sức xuyên giáp đạt ít nhất 1.024 mm thép (ở cự ly 2.000 mét), đủ sức xuyên thủng giáp trước của mọi loại xe tăng hiện đại nhất phương Tây ở cự ly trên 3.000 mét. Khẩu pháo nòng trơn cỡ lớn này còn có thể bắn đạn hạt nhân chiến thuật do UVZ phát triển. Nga được cho là đã đạt được những bước tiến quan trọng trong công nghệ hạt nhân chiến thuật, đủ sức tạo ra những loại đạn nhỏ có sức công phá lớn.
Tuy nhiên, tăng T-14 Armata phiên bản hiện nay vẫn giữ khẩu pháo 2A82 cỡ nòng 125 mm. 2A82 là loại pháo cải tiến từ loại pháo 125 mm L/48 2A46 trang bị trên T-72, T-80 và T-90. Khi sử dụng đạn xuyên giáp APFSDS kiểu mới 3BM-69 "Vacuum-1" (lõi xuyên uranium nghèo) hoặc 3BM-70 "Vacuum-2" (lõi xuyên tungsten), pháo 2A82-1M đạt sức xuyên 850–1.000 mm thép (ở cự ly 2.000 mét), đủ sức bắn xuyên giáp trước của các loại xe tăng hiện đại như M1A2 Abrams của Mỹ hoặc Leopard-2A6 của Đức ở cự ly 2.000 mét ngay từ phát đạn đầu tiên với xác suất khoảng 60%. Cũng theo tuyên bố của UVZ, thì sơ tốc đạn đầu nòng của 2A82 đạt tới 2.050 m/s, cao hơn tới 20% so với con số 1.750 m/s trên pháo 120mm L/55 của Đức. Tầm bắn thẳng hiệu quả của pháo 2A82-1M đạt 4.700 mét, trong khi pháo 120mm L/55 của Đức chỉ đạt 4.000 mét.
Sở dĩ T-14 Armata vẫn đang trang bị 2A82 là vì các kỹ sư Nga hiện nay cho rằng những khẩu pháo cỡ nòng lớn hơn sẽ không phát huy hiệu quả thực tế trên chiến trường. Nhược điểm lớn nhất của 2A83 là trọng lượng quá lớn. Khi không mang đạn nó có khối lượng là 5 tấn, gần gấp đôi so với trọng lượng 2,7 tấn của 2A82. Nòng pháo này cũng chỉ chịu được tối đa 280 phát bắn, quá ít so với khả năng bắn tối đa 900 phát của nòng 125 mm. Đồng thời, Các chuyên gia quân sự cũng cho rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường không phù hợp với học thuyết quân sự của Nga.
Nga dự kiến sản xuất và biên chế khoảng 2.000 xe tăng T-14 Armata trong giai đoạn 2015-2020. Khoảng 20 chiếc được triển khai tại các đơn vị tăng thiết giáp để thử nghiệm, quá trình chế tạo hàng loạt có thể đã bắt đầu từ cuối năm 2016.