Rất nhiều người đã từng trải qua cảm giác đang ngủ mà bị một thứ gì đó vô hình đè lên người nhưng không thể cử động và kháng cự. Hiện tượng này được gọi chung là bóng đè.
Hiện tượng bóng đè thường xuất hiện khi con người bắt đầu chìm vào giấc ngủ hoặc chuẩn bị tỉnh dậy. Trong giấc mơ, những sự vật sẽ lần lượt xuất hiện có nội dung hoặc không rõ nội dung nhưng đều có tính chất kinh dị và diễn ra rất chân thật khiến cho con người muốn thoát ra khỏi hoàn cảnh đó tuy nhiên không làm sao có thể điều khiển được hành vi của mình. Họ thấy rõ ràng như có ai đó đang ở xung quanh mình hoặc chuẩn bị tấn công mình, họ cố gắng cử động tay chân của mình để chống lại những nguy hiểm đang tiến đến nhưng hoàn toàn bất lực.
Nhiều người nghĩ rằng mình gặp ma hoặc bị bóng ma đè lên người nên không thể kháng cự. Tuy nhiên theo lý giải của các nhà khoa học thì khi đi ngủ, thùy đỉnh giám sát các tế bào thần kinh trong não gửi tín hiệu ra lệnh cử động nhưng không gây chuyển động thực sự ở chân và tay, khiến chúng tê liệt tạm thời. Điều đó làm rối loạn quá trình não xây dựng ý thức về hình ảnh của cơ thể và gây ra ảo giác. Có 3 loại ảo giác đó là:
Ảo giác đột nhập: Các bạn sẽ có cảm giác như có kẻ xấu xuất hiện trong phòng và đôi khi biến thành những ảo giác đa giác quan siêu thực về một kẻ đột nhập thực sự nhưng không thể lên tiếng.
Ảo giác bóng đè: Xuất hiện đồng thời với ảo giác đột nhập sau đó có cảm giác như cơ thể đang bị đè nặng trên lồng ngực hoặc bị bóp cổ đến nghẹt thở nhưng không thể cử động để kháng cự.
Ảo giác liên quan đến rối loạn tiền đình: Các bạn sẽ có cảm giác như mình đang trải nghiệm vận động ảo như cảm giác trôi nổi, rơi tự do vô định rồi giật mình thức giấc.
Nguyên nhân khiến cho nhiều người thường xuyên gặp phải hiện tượng bóng đè là do bị căng thẳng tâm lý, trầm cảm, lo lắng hay bế tắc trong cuộc sống hoặc là do chất lượng của giấc ngủ.
Nếu thường xuyên gặp phải tình trạng bị bóng đè thì sẽ rất nguy hại với sức khỏe gây nên các vấn đề như suy nhược thần kinh, mệt mỏi, tâm trạng bất ổn.
Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp hoặc loại thuốc nào để chữa trị tình trạng tê liệt trong giấc ngủ gây ra hiện tượng bóng đè này. Tuy nhiên, các bạn có thể hạn chế triệt để gặp phải hiện tượng bóng đè bằng cách xây dựng một lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, tham gia các hoạt động giải trí, thể thao, tránh căng thẳng và tạo thói quen đi ngủ đúng giờ, khi ngủ phải có tư thế nằm ngủ thoải mái làm cho toàn bộ cơ bắp giãn, đầu không vẹo lệch, quần áo phải rộng rãi, buồng ngủ thoáng khí. Ngoài ra, các bạn hãy cố hết sức để cử động đầu ngón tay và ngón chân để thoát khỏi những trải nghiệm đáng sợ khi gặp phải hiện tượng bóng đè.