Tại sao khi gặp chó đa phần nếu bạn chạy nó sẽ lập tức đuổi theo, khi bạn đứng nó sẽ không làm gì mà chỉ ngồi im rồi sủa?
Tuổi thơ của bạn có từng bị ám ảnh bởi những con chó to hung dữ luôn gầm gừ và không cho bạn đi qua đường? Rồi hôm sau quyết tâm phục thù bằng cách chống cự với nó. Cũng đôi khi, bạn được chủ nhân của chúng trấn an một câu "Nó không cắn đâu" và đằng sau câu nói đó là “nhưng nếu có cắn thì thôi chứ biết làm sao được”.
Các bạn có thể đối phó với sự tấn công của những chú chó hung dữ bằng những cách có cơ sở khoa học sau:
Bình tĩnh: Đầu tiên, bạn sẽ chẳng thể làm gì nếu không bình tĩnh. Và thứ 2, chó có thể cảm nhận được nỗi sợ của bạn, nên việc hoảng loạn chỉ khiến nó càng nổi máu tấn công hơn thôi.
Giảm tốc độ: Chó rất nhạy cảm với những mục tiêu di chuyển nhanh. Hãy giảm tốc độ lại (nếu đang chạy), và nếu có thể hãy đi về một hướng khác. Trong lúc đó, vẫn phải để ý quan sát qua khoé mắt, vì biết đâu nó ghét bạn quá mà tấn công thì sao?
Tránh nhìn vào mắt chó: Hành vi nhìn thẳng vào mắt có thể kích động chó trở nên hung hăng hơn. Các chuyên gia nghiên cứu hành vi cho biết loài chó coi việc nhìn vào mắt là thách thức, đe dọa nó, và đó cũng là lý do đáng để tấn công. Như đã nêu trên, chỉ nên quan sát chó qua khóe mắt, tuyệt đối tránh nhìn vào mắt chúng. Nếu không cảm thấy bạn là một mối đe dọa, chú chó nhiều khả năng sẽ bỏ đi.
Đánh lạc hướng chó: Trong trường hợp chó bắt đầu tấn công, hãy đánh lạc hướng nó bằng bất kỳ thứ gì trong tay bạn! Có thể là chai nhựa, giày, thậm chí là balo. Đừng tiếc, nhất là khi bạn biết được rằng lực cắn của một số loài như pitbull đủ để nghiền nát xương cánh tay người lớn.
Tìm cách ra lệnh: Khẩu lệnh... đuổi chó phổ biến nhất tại Việt Nam là từ "sùy sùy". Nếu như làm đủ kiểu mà con chó vẫn tiếp tục tỏ thái độ muốn cắn bạn đến cùng, hãy đối mặt với nó. Vẫn không nhìn vào mắt, mà là mặt đối mặt, miệng hô khẩu lệnh kia. Khả năng cao là chú chó sẽ nhớ ra lệnh của chủ mà bỏ đi thôi.
Theo: kenh14.vn