Giao tiếp với con cái nhiều sẽ giúp bậc phụ huynh kịp thời nắm bắt và cùng chia sẻ mọi khó khăn trong cuộc sống mà con cái của mình đang gặp phải, tuy nhiên đây không phải là vấn đề dễ dàng.
Những người làm cha, làm mẹ ai mà không yêu thương những đứa con của mình nhưng không phải ai cũng thể hiện tình yêu thương đúng cách. Có rất nhiều trường hợp, vì các bậc phụ huynh không hiểu rõ con cái của mình muốn gì và không quan tâm đúng cách nên thường làm chúng khó chịu, mất tự do, rơi vào khủng hoảng và sợ hãi mọi thứ. Để có thể hiểu rõ con cái của mình, các bậc phụ huynh cần phải thường xuyên giao tiếp và tâm sự với con cái để nắm bắt được tâm sinh lý cũng như chia sẻ và cùng giải quyết những vấn đề khó khăn mà chúng đang gặp phải. Vậy làm thể nào để có thể giao tiếp với con cái tự nhiên và gần gũi nhất?
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, khi mới sinh ra cho đến lúc bắt đầu biết nhận thức trẻ nhỏ sẽ cố gắng giao tiếp với những người chăm sóc mình. Chính những lúc ấy, các bậc phụ huynh có thể bắt đầu dành nhiều thời gian để giao tiếp và gần gũi với con cái của mình chứ không phải đợi đến khi con mình đã thật sự trưởng thành. Khi con cái của bạn ở từng giai đoạn khác nhau thì bạn nên dùng những cách khác nhau để giao tiếp.
Khi chưa biết nói chuyện và chưa nhận thức hết được mọi thứ: Khi những đứa con của bạn chưa biết nói cũng chưa hiểu hết những gì bạn nói thì hãy giao tiếp với chúng bằng những biểu cảm trên khuôn mặt và giao tiếp với chúng bằng hành động.
Khi đã bắt đầu có nhận thức và chuẩn bị cắp sách đến trường: Khi con cái của bạn bắt đầu có nhận thức và biết nói chuyện, hãy giao tiếp với con cái mình một cách thân mật trong bữa cơm gia đình để khuyến khích chúng kể với bạn những chuyện mà chúng gặp ở trường, những mối quan hệ bạn bè xung quanh. Bên cạnh đó, hãy hỏi con cái của bạn về những sai lầm mà chúng phạm phải để kịp thời sửa chữa và chấn chỉnh.
Khi trẻ đến tuổi vị thành niên: giai đoạn này, những mối quan hệ bạn bè bắt đầu trở nên quan trọng với chúng. Thay vì tâm sự với phụ huynh, chúng sẽ tâm sự với bạn bè nhiều hơn chính vì vậy bạn sẽ không nắm bắt được tâm sinh lý cũng như các mối quan hệ, những chuyện mà chúng gặp hằng ngày. Mối quan hệ và giao tiếp giữa bạn và con cái dần trở nên ít đi và căng thẳng hơn. Để điều đó không xảy ra, hãy khuyến khích con đưa bạn về nhà chơi đồng thời tạo nên sự thân thiện, thoải mái với bạn bè của chúng. Không nên cấm đoán hoặc quản lý con cái mình quá chặt vì sẽ làm chúng khó chịu và chán ghét bạn.
Nếu đến giai đoạn con cái của bạn trưởng thành và chúng vẫn có thể giao tiếp thoải mái với bạn thì hãy nhớ những điều sau: thứ nhất, luôn cố gắng duy trì các bữa cơm gia đình để các thành viên gần gũi với nhau. Thứ hai, không nên xâm phạm quyền riêng tư và quản lý con cái mình quá chặt chẽ. Thứ ba, luôn luôn lắng nghe tâm sự, chia sẻ của con cái thay vì vội vàng đánh giá khi chưa kịp nghe hết câu chuyện. Thứ tư, luôn sẵn sàng gạt bỏ mọi thứ sang một bên khi chúng cần bạn. Cuối cùng, dù ở bất cứ trường hợp nào cũng không nên dùng bạo lực để dạy con cái.