Việt Nam vốn là một trong những quốc gia có vị thế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông sản hàng hóa. Tuy nhiên những hạn chế trong chính sách về quỹ đất đã và đang trở thành bức tường ngăn cản thương hiệu toàn cầu của nông sản Việt Nam.
Để tạo động lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển, Chính phủ đã chủ trương thực hiện gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao (NN - CNC), với mục tiêu đẩy mạnh phát triển nền kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên theo nhận định của ông Lê Thành - Viện Trưởng Viện Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam thì nếu chỉ bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng để xây dựng nhà máy mà không kêu gọi nhà đầu tư tham gia vào chuỗi giá trị thì không biết bán hàng ở đâu, bán ra như thế nào sẽ trở thành gánh nặng cho chính sách này.
Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đầu tư vào dự án nông nghiệp mới chỉ chiếm khoảng 15% mặc dù đã có rất nhiều văn bản chủ trương, chính sách lớn thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
Rào cản lớn nhất trong việc thu hút các nhà đầu tư vào nông nghiệp mới chính là điều kiện diện tích đất đai cho sản xuất và canh tác phải là quy mô lớn, biến đổi linh hoạt theo bài toán kinh doanh của từng doanh nghiệp tuy nhiên chính sách hạn điền không cho phép điều này.
Tại nhiều địa phương đất cấp cho dự án đầu tư đã được chỉ định nhưng doanh nghiệp không thể tiếp cận với quỹ đất vì địa phương không đền bù giải tỏa cho người dân. Chính vì vậy mà trong Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam - VPSF 2017 (31/7) tại Hà Nội vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn kiến nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi bãi bỏ quy định về hạn điền trong Luật Đất đai.
Lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ nhận định: “NN - CNC hiện nay vướng chủ yếu ở đất đai, vốn, khoa học công nghệ. Thủ tướng cho biết, sẽ đệ trình Quốc hội sửa Luật Đất đai, trong đó liên quan đến quy định hạn điền”.