Nếu ở Sài Gòn, bạn không nên bỏ lỡ cơ hội ghé thăm những địa điểm ăn uống dưới đây bởi vì chúng không chỉ đã trở thành những địa chỉ quen thuộc với bao thế hệ người dân của thành phố mà còn có nhiều điều cũng khá thú vị khi ăn ở những nơi này.
Bún vịt đường Lê Văn Sỹ: Nằm ở cuối hẻm 281 đường Lê Văn Sỹ, quán bán từ 15h30 hàng ngày nhưng 14h30 đã bắt đầu có người xếp hàng, đến 16h30 là hết và không còn nhận khách. Sản phẩm của quán là bún và gỏi vịt. Điểm khiến quán ăn này nổi tiếng là khả năng chọn vịt và xử lý rất tốt, khiến thịt chắc, không bị hôi, hầm mềm, không dai. Quán ăn này đã có tuổi thọ gần 50 năm.
Chè chảnh Nguyễn Phi Khanh: Được coi là quán chè “chảnh” nhất Sài Gòn. Quán chè này nổi tiếng vì thái độ có một không hai của ông chủ. Dù khách đông đến mấy, ông chủ cũng chậm rãi múc chè, có lúc vừa múc vừa hát mặc cho khách phải đứng chờ. Mở bán từ 1h chiều nhưng xe chè đơn sơ này luôn tấp nập khách. Nhiều người đã ăn nhận xét vị chè ở đây ngọt mát, hạt đậu mềm đều và ngon hơn nhiều nơi khác.
Bún riêu chợ Bến Thành: Quán bún riêu truyền kỳ đã tồn tại 40 năm nằm ở số 4 Phan Bội Châu. Không chỉ nổi tiếng về độ lâu đời, quán ăn này còn được biết đến nhờ công thức ngon và độc đáo khiến cho cả những người nổi tiếng cũng phải ghé ăn.
Bánh mỳ Huỳnh Khương Ninh: Nằm tại địa chỉ 23 Huỳnh Khương Ninh, Phường Đa Kao, Quận 1. Tiệm còn có tên gọi khác là bánh mỳ Bảy Hổ và đã có mặt từ những năm 30 của thế kỷ trước. Bánh mỳ tại đây khá nhỏ, cầm vừa tay và ăn vừa miệng. Đặc biệt là phần chả lụa, paté và thịt luộc được chế biến theo công thức gia truyền nên tạo ra mùi vị khác hẳn với những nơi khác. Quán bán từ 2h -5h chiều là đóng cửa.
Hủ tiếu mì cật Trương Định: Nằm trên đường Trương Định, Quận 1, quán ăn này là địa chỉ quen thuộc lâu đời của những người mê hủ tiếu mì cật. Các món chính của quán là hủ tiếu hoặc mì cật, nạc, xương và có 2 cách chế biến riêng là khô và nước, dai và mềm. Điểm nhấn của các món ăn là phần cật được xử lý kỹ, nước dùng ngọt, thanh và nước chấm riêng rất độc đáo.
Bún mọc Thanh Mai: Nằm ở bên hông chợ Bến Thành, quán chỉ bán độc một món bún Mọc nhưng tên tuổi của nó đã gắn liền với không ít người dân Sài Gòn. Quán bán từ 5h sáng đến 2h chiều nhưng hầu như chẳng có lúc nào vắng khách. Nước dùng thanh, ngọt, các mọc dai, mềm và các loại chả có vị đậm, chắc là những điểm hút khách của nơi này.
Bún thịt nướng Bà Tám: Nằm tại 299 Võ Văn Tần, quận 3, quán mở cửa từ năm 1945 nhưng đến nay vẫn giữ được hương vị độc đáo vốn có. Miếng thịt được ướp gia vị đậm đà, cân đối giữa các vị ngọt, mặn, thơm và nước mắm được pha rất vừa là những điều giữ chân thực khách ở lại nơi đây.
Chuối nướng: Từ lâu hẻm 378 đường Võ Văn Tần đã là địa chỉ nổi tiếng của các thực khách nghiền món chuối nướng. Quán bán cả ngày đến tối nhưng hầu như lúc nào cũng đông người. Có được kết quả như vậy là do quá trình chọn chuối, chọn nếp và nướng được tiến hành rất cẩn thận, chỉnh chu.
Cháo lòng Bà Út: Nằm trên đường Cô Giang, quận 1, gánh cháo lòng đã mở cửa hơn 80 năm và truyền qua 4 thế hệ. Quán mở từ 6-7h sáng tới 11h trưa nhưng thường bán hết từ lúc 10h. Cháo ở đây được chế biến khá cầu kỳ, đặc biệt lúc nấu cháo có cho thêm huyết tươi nên có mùi thơm, ngọt, béo và độ sánh mịn đặc trưng.
Bánh canh 60 phút Nguyễn Phi Khanh: Nằm ở số 12C đường Nguyễn Phi Khanh đến nay đã 12 năm. Quán bánh canh này được gọi là bánh canh 60 phút vì hàng trăm tô được bán hết sạch chỉ trong vòng 1 giờ. Quán chỉ bán một món duy nhất là bánh canh giò heo. Giò do quán tự chế biến nên có mùi vị rất đặc trưng, được cho là nguyên nhân chính thu hút khách đến ăn.